.

Thực hiện thắng lợi các mục tiêu đột phá chiến lược, đưa Lệ Thủy phát triển nhanh và bền vững

Thứ Bảy, 08/08/2015, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với việc tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Năm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nội dung như sau:

>> Tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết

>> Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng huyện Lệ Thủy đạt chuẩn nông thôn mới

- Phóng viên: Nhiệm kỳ qua, huyện Lệ Thủy đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả khả quan trên tất cả mọi lĩnh vực. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật nhất của huyện nhà?

- Đồng chí Nguyễn Quang Năm: 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện nên huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực: Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt 9,55%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiểm tra việc bê tông hoá giao thông nông thôn ở xã An Thuỷ.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiểm tra việc bê tông hoá giao thông nông thôn ở xã An Thuỷ.

Đến năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 36%; công nghiệp chiếm 27%; dịch vụ chiếm 37%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2010. Thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, tốc độ tăng thu bình quân 15,2%/năm; năm 2015 thu ngân sách ước đạt trên 100 tỷ đồng.

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị. Hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Huyện cũng đã huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, như cầu Phong Liên, cầu Phong Xuân, chợ Tréo, Nhà truyền thống huyện... và các công trình trọng điểm khác; diện mạo nông thôn, đô thị trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Toàn huyện đã có 82,5% làng, bản, tổ dân phố văn hoá, 94,9% cơ quan, đơn vị văn hoá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến cuối năm 2015 ước còn khoảng 5%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tiếp tục tăng cường, tạo môi trường ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

- Phóng viên: Để đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhiệm kỳ qua huyện đã có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Quang Năm: Trước hết là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế. Tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời chú trọng xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, xem đây là khâu đột phá để đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Chỉ đạo phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác quản lý tài nguyên, môi trường; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững.

Ngoài ra, huyện cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển một cách toàn diện lĩnh vực văn hóa-xã hội. Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống lâu dài. Quan tâm đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ hướng vào phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền; chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

- Phóng viên: Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Lệ Thủy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để huyện nhà phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng chí có thể nói rõ hơn về những kết quả đạt được này?

- Đồng chí Nguyễn Quang Năm: Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện chương trình. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân hưởng ứng tích cực, từ đó nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã tự nguyện hiến đất, tài sản, ngày công, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới.

Các xã đã tích cực huy động và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư thực hiện các tiêu chí, lấy giao thông làm khâu đột phá; rà soát, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao giá trị, hiệu quả và thu nhập cho người dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức thu hút và lan tỏa trong cán bộ, nhân dân toàn huyện.

Khởi công xây dựng cầu Phong Xuân-một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lệ Thủy.
Khởi công xây dựng cầu Phong Xuân-một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lệ Thủy.

Đến nay, Lệ Thủy đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 12%); 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (chiếm 19%), 12 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 46%), 5 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (chỉ chiếm 23%); phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xóa 3 xã dưới 5 tiêu chí. Đến năm 2020 sẽ có 20-21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phóng viên: Để tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp cụ thể nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Quang Năm: Năm năm tới là giai đoạn hết sức quan trọng, Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhằm đưa huyện Lệ Thủy phát triển nhanh, bền vững theo hướng CNH, HĐH. Trên cơ sở nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, huyện sẽ xác định 3 đột phá chiến lược đó là: Đột phá trong phát triển nông nghiệp toàn diện; đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi và đột phá trong công tác cán bộ-trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục xây dựng và tập trung thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất. Thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống các giải pháp, chính sách khuyến khích để củng cố và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Có chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy và khai thác có hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch để khai thác có hiệu quả du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh phía nam tỉnh Quảng Bình; đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm...; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chỉ đạo đồng bào dân tộc thiểu số tích cực phát triển sản xuất để từng bước ổn định đời sống.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện nhằm tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; phấu đấu xây dựng huyện Lệ Thủy đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

>> Mặt trận TQVN huyện Lệ Thủy: Tham gia xây dựng chính quyền, góp phần phát triển kinh tế-xã hội

>> Kinh nghiệm rút ra từ việc lãnh đạo nhân dân xây dựng nông thôn mới ở Lộc Thủy

>> Đảng bộ Công an huyện Lệ Thủy: Lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn