.

Tấm lòng của người cựu chiến binh 65 năm tuổi Đảng

Thứ Tư, 05/08/2015, 13:46 [GMT+7]
Ông Bùi Quang Khánh và tấm bằng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Ông Bùi Quang Khánh và tấm bằng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

(QBĐT) - Vừa qua, tôi tìm về thôn Đức Ngọc xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) để gặp CCB Bùi Quang Khánh- Thiếu tá, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 394, Quân đoàn 3-người vừa nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng nhưng đã sẵn lòng tặng lại cho chi bộ thôn toàn bộ tiền thưởng hơn 5 triệu đồng.

Về hưu năm 1979, tuy đã bước sang tuổi 84 sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Khánh vẫn minh mẫn, kể lại rành rọt những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đức Long, xã Đức Hóa, năm 1947 khi vừa tròn 15 tuổi, do căm thù chế độ thực dân, phong kiến, Bùi Quang Khánh đã trốn gia đình để đi làm liên lạc cho bộ đội, rồi gia nhập hàng ngũ quân đội. Lúc mới nhập ngũ là lính của Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 274, sau này thuộc Trung đoàn 18 đóng quân ở Bố Trạch.

Ông kể: “Ngày 18-5-1950, sau khi đánh chiếm đồn Cự Nẫm xong, gần sáng đơn vị trở về vị trí tập kết, kiểm tra lại quân số thấy thiếu vắng đồng chí trung đội phó, lúc này đồng chí Dược (quê ở Kinh Châu, xã Châu Hóa) Chính trị viên đại đội  lệnh cho tôi và 2 đồng chí nữa trở vào đồn tìm.

Rất may chúng tôi đã tìm thấy đồng chí trung đội phó đang bị thương nằm lại một mình, chúng tôi thay nhau cõng về đơn vị. Và ngay trong ngày hôm đó tại một địa điểm gần nhà thờ Khương Hà đồng chí Dược, Chính trị viên đại đội đã tổ chức kết nạp tôi và một đồng chí nữa vào Đảng.

Đến ngày 19-8-1950, sau khi kết nạp Đảng được 3 tháng (lúc đó tôi là tiểu đội trưởng) tiểu đội tôi cùng đại đội đã anh dũng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ chặn đánh, tiêu diệt hoàn toàn Đại đội Âu Phi ở Hoàn Phúc sang và bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Sau trận đánh này, đồng chí Dược, chính trị viên đại đội, bí thư chi bộ tuyên bố trước chi bộ tôi là đảng viên chính thức...”

Tham gia kháng chiến chống Pháp xong, năm 1963, ông cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên. Tháng 11-1965, lúc này ông là chính trị viên Tiểu đoàn 2 độc lập, trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên. Thời kỳ này ông cùng đơn vị tham gia đánh địch nhiều trận, tiêu diệt nhiều đại đội Mỹ, ngụy ở núi Chư Pông, Buagiavằm (Đức Cơ)... Đặc biệt trận đánh ở núi Đờ Răng, đơn vị ông đã diệt gọn cả đại đội Mỹ và bắt sống 3 tên. Sau trận này ông được cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công Giải phóng hạng nhất...

Trong chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975, khi đã là Chính ủy Lữ đoàn 394, thuộc Quân đoàn 3, ông đã chỉ huy đơn vị cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông chỉ huy đơn vị tiến đánh giải phóng căn cứ Long Khánh, rồi ngày 30-4-1975 đánh chiếm Trại biệt kích Gò Vấp, vòng qua Cầu chữ I (cầu Nguyễn Văn Trỗi) cùng đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, góp sức cùng quân dân cả nước giải phóng Sài Gòn Gia Định, thống nhất Tổ quốc...

Ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 10 huân chương các loại (trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Ba) và nhiều bằng khen, giấy khen...). Và phần thưởng cao quý nhất bây giờ đối với ông là vừa được tặng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Vợ chồng ông sinh được 4 người con (1 trai, 3 gái) đã trưởng thành, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngay cả bây giờ đã già nua 2 vợ chồng ông chỉ sống nhờ vào một suất lương hưu của ông, nhưng khi nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng  ông vẫn sẵn lòng ủng hộ tất cả số tiền thưởng cho chi bộ. Ngày nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, con cháu của ông về đông đủ chúc mừng ông, khiến cho căn nhà cấp 4 vui như ngày hội.

“Cuộc đời tôi là cuộc đời binh nghiệp. Hơn 32 năm trong quân đội. Sau nhiều năm tháng trận mạc, tôi không chết, được trở về với quê hương, gia đình. Bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu tôi không làm gì được cho xã hội nữa nên có một ít quà của Đảng tặng (5.800.000đ) tôi xin trao lại cho chi bộ thôn để mua loa đài phục vụ cho việc sinh hoạt”, ông nói.

Số tiền tuy không lớn nhưng nghĩa cử của ông thật cao đẹp. Trước tấm lòng  cao đẹp đó, cả đảng viên chi bộ nơi ông sinh hoạt đã tự nguyện đóng góp tiền lại tổ chức cho gia đình ông một bữa liên hoan thật đầm ấm, vui vẻ.

Hồ Duy Thiện