.

Hào khí mùa thu

Thứ Bảy, 29/08/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - 70 năm đã đi qua từ mùa thu năm ấy, nhưng trong thẳm sâu ký ức của người dân Quảng Bình, hình ảnh về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay nhân dân, vẫn còn sống động. Thời gian đi qua, dù rất nhiều người trực tiếp chiến đấu giành chính quyền mùa thu năm 1945 lịch sử đã ra đi, thì ký ức hào hùng đó vẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ cháu con. Và hôm nay, trên mặt trận mới, hào khí của những ngày Tháng Tám tiếp tục là động lực to lớn để bao thế hệ cháu con bước tiếp trên hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp...

Ngày 2-7-1945, một hội nghị cán bộ Đảng được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thuỷ). Mười ba đồng chí đại diện cho các phủ, huyện và thị xã Đồng Hới về dự. Sau khi thảo luận quán triệt chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Thường vụ Trung ương Đảng, thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lời kêu gọi của Ủy ban thống nhất Trung kỳ, hội nghị đã quyết định củng cố tổ chức đảng ở những nơi đã có; mở rộng và phát triển Đảng vào các vùng trọng yếu, nhất là thị xã Đồng Hới, vùng nông thôn, trong tầng lớp công nhân; thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh; chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp nổ ra.

Sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương.
Sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương.

Tại hội nghị lịch sử này, Ban vận động thống nhất đảng bộ được thành lập và ra lời kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết nhất trí, thống nhất hành động, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước. Tiếp đó, ngày 4-7-1945, hội nghị Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập tại Trại sản xuất An Sinh (xã Văn Thuỷ, Lệ Thuỷ).

Tham dự hội nghị có 30 đại biểu đại diện cho Mặt trận Việt Nam các huyện, thị trong tỉnh. Sau khi thảo luận và quán triệt các văn kiện của Trung ương, Xứ uỷ, Tổng bộ Việt Minh và tinh thần nội dung hội nghị cán bộ Đảng ở An Xá, hội nghị đã thống nhất các chủ trương lớn và cấp bách cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. 

Sau những hội nghị lịch sử trên, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước nhảy vọt quan trọng. Ban chấp hành Việt Minh các phủ, huyện, thị xã, tổng, làng... lần lượt ra đời. Hàng nghìn cuộc mít tinh được tổ chức khắp nơi thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Các đội tuyên truyền xung phong bám sát cơ sở, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đứng lên chống Nhật cứu nước. Khắp nơi trong tỉnh rộn ràng khí thế cách mạng, sẵn sàng chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Và ngày lịch sử ấy đã đến. Đúng như kế hoạch, đêm 22-8-1945, các đơn vị tự vệ chiến đấu của tỉnh và Đồng Hới đã bí mật đột nhập chiếm dinh tỉnh trưởng, tỉnh phó, Sở mật thám, lục bộ, kho bạc, dây thép, nhà lao. Cũng thời điểm ấy, quần chúng cách mạng có các đội tự vệ làm nòng cốt với băng cờ, giáo mác cầm tay đã tập trung ở cửa nam, cửa bắc, cửa đông, đợi lệnh tràn vào nội thị. Mười hai giờ đêm hôm đó, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố. Ngay sau đó, một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn xuất hiện trên nóc nhà  Ủy ban khởi nghĩa.

Cùng với thị xã Đồng Hới, cũng đêm 22 rạng sáng 23-8-1945, tại phủ Quảng Ninh, huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, phủ Quảng Trạch, Tuyên Hoá... lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân đồng loạt đứng lên khởi nghĩa. Trước khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng, bọn giặc đều giơ tay đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm lĩnh các phủ đường và công sở, sổ sách, giấy tờ, triện đồng bị tịch thu và thiêu huỷ. Cờ đỏ sao vàng mọc lên rực rỡ khắp dải đất Quảng Bình. Đến ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh đến phủ, huyện, tổng, xã đã được thiết lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình diễn ra nhanh gọn, không đổ máu và giành thắng lợi triệt để.

Thấm thoắt 70 năm đã trôi qua. Hào khí mùa thu Tháng Tám 1945 còn vang vọng mãi. Huyện Lệ Thuỷ, nơi năm xưa diễn ra các hội nghị quan trọng trước ngày khởi nghĩa giờ là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, là nơi có nhiều điển hình xây dựng nông thôn mới, đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng khởi sắc.

Xuyên giữa những đồi cát rộng mênh mông là những con đường thẳng tắp, đưa bao sản vật của ngư dân đến với những thị trường rộng lớn trong nước, trong tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Cũng những đồi cát chạy dài ven biển từ Lệ Thuỷ đến Quảng Ninh, nay mai sẽ mọc lên nhiều công trình mới, vừa giữ đất vừa là “đòn bẩy” để đưa quê hương ngày càng phát triển.

Tiếp giáp Lệ Thuỷ là phủ Quảng Ninh xưa, nơi có dòng Long Đại hiền hoà chảy qua, đôi bờ sông là những làng quê trù phú màu xanh của lúa, ngô, khoai, sắn. Thị trấn Quán Hàu duyên dáng với cây cầu vững chãi nối đôi bờ, không còn cảnh cách trở đò giang, hứa hẹn là một khu đô thị trẻ trong tương lai gần. Ngày mùa thu, từ cầu Quán Hàu, chạy xe trên con đường thênh thang, phẳng lì, chỉ chưa đầy mươi phút đã chạm cửa ngõ Đồng Hới, thành phố đang “vươn vai đón bình minh hồng” như lời một bài hát về Quảng Bình.

Sau 70 năm với những thăng trầm, thị xã Đồng Hới giờ là thành phố tỉnh lỵ, căng tràn sức sống. Ngắm nhìn thành phố trẻ, lòng chợt bồi hồi khi hình dung những khoảnh khắc lịch sử, thị xã rợp bóng cờ hoa và tiếng reo hò của lực lượng tự vệ cùng nhân dân trong niềm vui chiến thắng mùa thu xưa ấy...

Trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, trước tinh thần sẵn sàng của quân và dân cùng thời cơ chín muồi, Bố Trạch đã phát động khởi nghĩa vào lúc 1 giờ sáng, sớm hơn mốc thời gian mà cuộc họp cán bộ Việt Minh toàn huyện quyết định 4 tiếng đồng hồ. Và tinh thần tiên phong ấy như sợi chỉ đỏ, xuyên suốt qua thời gian, đưa Bố Trạch trở thành điểm sáng của nhiều phong trào, góp phần mang lại cuộc sống ấm no và ngày càng khởi sắc cho miền quê này.

Rực rỡ sắc cờ mùa thu.
Rực rỡ sắc cờ mùa thu.

70 năm chỉ là cái chớp mắt của thời gian, nhưng với công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, đó là một hành trình dài và có không ít gian nan, thử thách. Nhưng với quyết tâm và tinh thần quả cảm, lòng yêu nước của mình, những miền quê năm xưa đã thực sự khởi sắc. Bản đồ hành chính của phủ Quảng Trạch xưa giờ đã có thêm một đơn vị hành chính mới mang tên thị xã Ba Đồn. Chia tách để đáp ứng nhu cầu phát triển là hướng đi tất yếu mà Quảng Trạch-Ba Đồn là một trong những minh chứng rõ nét. Bên cạnh một thị xã trẻ sầm uất bên dòng sông Gianh, trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch đang được đầu tư hoàn thiện với những con đường thẳng tắp, quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển lâu dài, hướng tới tương lai.

Và cũng như Quảng Trạch, huyện Tuyên Hoá (bao gồm cả huyện Minh Hoá) với địa hình khó khăn, cách trở 70 năm trước khiến Ủy ban khởi nghĩa phải huy động quần chúng từ một số làng quê ở Quảng Trạch ngược lên phối hợp cùng nhân dân địa phương trong đêm khởi nghĩa giành chính quyền, giờ đã từng ngày khởi sắc.

Vững vàng trên biên giới phía tây của tỉnh, Tuyên Hoá và Minh Hoá đang dần tiến kịp miền xuôi với những bước đi ngày càng vững chắc. Những con đường mới mở, những cánh rừng bạt ngàn, trang trại rộng lớn... đã góp phần đưa hai huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá phát triển, xứng đáng với truyền thống anh hùng của bao thế hệ cha anh mùa thu 70 năm trước.

Vâng, mùa thu nay khác rồi, quê nhà đang rộn ràng khúc ca xây dựng hướng tới tương lai bền vững. Nhưng mãi mãi hào khí của mùa thu năm xưa vẫn còn vang vọng, là động lực, là lời nhắc nhở để những thế hệ con cháu tiếp bước cha anh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, rào cản, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của những người đi trước.

Ngọc Mai