.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Bảy, 01/08/2015, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quang Vũ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

>> Đột phá từ kinh tế biển

>> Du lịch và dịch vụ du lịch: Hướng đột phá của Bố Trạch

>> Đảng bộ xã Hải Trạch: Vươn lên từ yếu kém

>> Đảng bộ xã Đại Trạch: Học và làm theo lời Bác

>> Đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tại khu tái định cư Trung Trạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tại khu tái định cư Trung Trạch.

- P.V: Nhìn nhận một cách khách quan, huyện Bố Trạch được xem có nhiều yếu tố thuận lợi nhất so với các địa phương trong tỉnh về điều kiện tự nhiên, đất đai để phát triển kinh tế. Được biết, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh đó, xin đồng chí cho biết thành tựu nổi bật của Đảng bộ đạt được trên lĩnh vực kinh tế-xã hội?

- Đồng chí Trần Quang Vũ: Đúng là Bố Trạch có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển nền kinh tế toàn diện. Sớm nhận thấy được lợi thế đó, nên trong nhiệm kỳ qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng; hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tiềm năng, thế mạnh được xác định và khai thác hợp lý đã đưa lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh sang hướng tăng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Nông nghiệp phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, nhất là chăn nuôi và thuỷ sản. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2015 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,42%/năm. Sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 46 ngàn tấn/KH 45 ngàn tấn.

Chăn nuôi có bước phát triển, đã hình thành một số trang trại chăn nuôi tập trung. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 20,1 ngàn tấn, vượt 2,7 ngàn tấn so mục tiêu đề ra. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,6 lần so với năm 2011, bình quân hàng năm giá trị tăng thêm đạt 433 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Các loại hình dịch vụ phát triển khá nhanh. Tỷ trọng của ngành dịch vụ tăng từ 38% năm 2011 lên 46% vào năm 2015. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế chiến lược. Thu ngân sách trên địa bàn tiến bộ vượt bậc, số thu qua các năm đạt ở mức cao, bình quân hàng năm đạt 142,6 tỷ đồng/dự toán 94 tỷ đồng, trong đó, năm 2014 thu hơn 200 tỷ đồng. Các loại hình kinh tế tiếp tục có bước phát triển, các cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong các mặt đời sống và an sinh xã hội. Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, chất lượng đại trà có tiến bộ. Nguồn nhân lực của huyện có chuyển biến cả về chất và lượng, luôn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có bước tiến đáng kể đã tạo thuận lợi cho nhiều lao động nông thôn học nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ, cơ bản đã làm tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân hưởng ứng sâu rộng.

Các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, đưa lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,92% năm 2011 còn 4,31% vào cuối năm 2015. Bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 3.000 lao động. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng nhanh, hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Các chương trình, chính sách, hỗ trợ, đầu tư vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo được triển khai kịp thời và hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc, đồng bào theo đạo được cải thiện đáng kể.

Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang có nhiều tiến bộ, góp phần giữ vững ổn định chính trị. Các lực lượng quân sự, công an thường xuyên nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh chính trị ngay từ cơ sở, đặc biệt là tình hình an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự. Chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có chuyển biến tích cực, đẩy lùi tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- P.V: Qua theo dõi được biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Bố Trạch đã đề ra các chương trình kinh tế trọng điểm có tính đột phá, xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện các chương trình này?

- Đồng chí Trần Quang Vũ: Để cụ thể hoá các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, UBND huyện Bố Trạch đã triển khai lập và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án kinh tế trọng điểm cùng với nhiệm vụ thực hiện Chương trình trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hết sức quyết liệt.

Trong các chương trình, nổi bật có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt kết quả bước đầu, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhận thức về xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Các tiêu chí nông thôn mới được triển khai toàn diện và có chuyển biến tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2015, có 7/KH 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn đã đạt những kết quả tích cực, thu nhập, đời sống nhân dân được cải thiện, từng bước nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc qua từng ngày. Sau khi thực hiện có hiệu quả đề án chăn nuôi, xác định nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2010-2015, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án chăn nuôi giai đoạn 2,  nhiều cơ sở kinh tế trang trại, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung có hiệu quả, tỷ lệ bò lai (chiếm 35%), lợn máu ngoại tăng lên. Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp vượt hơn 3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Các sản phẩm đạt chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhiều chương trình dự án và nguồn vốn đầu tư đã được huy động và lồng ghép để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng như: giao thông, thủy lợi, giáo dục-đào tạo... đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội huyện. Bố trí gần 450 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện; từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, đường làng, ngõ xóm, đã cứng hóa được 45% đường huyện, 39% đường xã; phát triển hệ thống thủy lợi, bảo đảm cung cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt và tưới chủ động cho trên 90% diện tích lúa; đầu tư cho kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm, đã có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia; 86,7% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế...

- P.V: Đại hội Đảng bộ huyện lần này với quyết tâm đưa Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội đề ra?

- Đồng chí Trần Quang Vũ: Đảng bộ xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với chất lượng và có tính khả thi cao nhất.

Trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung, phấn đấu nâng cấp thị trấn Hoàn Lão lên đô thị loại IV trước năm 2020, tiến tới sớm thành lập thị xã Hoàn Lão trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh. Theo đó, huyện sẽ có cơ chế ưu đãi về đất, thuế, giải phóng mặt bằng để huy động và thu hút nguồn lực đầu tư.

Lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; sản phẩm sản xuất phải hướng vào nhu cầu của thị trường, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Tiếp tục xác định phát triển chăn nuôi là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn giao đất, giao rừng với thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, quản lý và bảo vệ rừng nhằm khai thác tối đa các nguồn lợi từ rừng. Chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia thông qua việc đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ.

Phát triển nhanh các ngành công nghiệp-TTCN có khả năng, lợi thế cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các vùng nguyên liệu. Huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới đường giao thông nông thôn. Thực hiện xã hội hoá các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Chú trọng phát triển dịch vụ, đưa lĩnh vực này trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trong đó phát triển dịch vụ du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong thời kỳ mới. Tập trung khai thác lợi thế dịch vụ từ du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Hình thành và xây dựng dọc bờ biển các khu du lịch, bãi tắm. Ưu tiên xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch gia đình... Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để phát triển các loại hình kinh tế. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đại trà gắn với chất lượng mũi nhọn. Tăng cường công tác đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Chú trọng chỉ đạo công tác giải quyết việc làm, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình, chính sách, hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc...

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND huyện!

Tr.T (thực hiện)

Kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 142,6 tỷ đồng/dự toán 94 tỷ đồng, trong đó năm 2015 đạt trên 200 tỷ đồng/dự toán 110 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,2 triệu đồng/KH 29 triệu đồng.

- Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 46 ngàn tấn/KH 45 ngàn tấn.

- Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm đạt 20.100 tấn/KH 17.500 tấn.

- Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 3,2%/KH 2,5-3,0%, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,31% vào cuối năm 2015.

- 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

- Giải quyết việc làm mới hàng năm: 3.000 lao động/KH 2.500 lao động, trong đó xuất khẩu 1.200 lao động.

- Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 77%/KH 75%; làng, đơn vị văn hóa đạt 60%/KH 30%

- Tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 85,5%/KH 85%.

- 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.

- Năm 2014, có 50,7% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có đơn vị yếu kém; trên 99% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt 3,3%/KH 3-3,5%; 100% thôn, bản, tiểu khu có tổ chức đảng.