.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua yêu nước trong giai đoạn mới

Thứ Sáu, 10/07/2015, 21:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước, trong 5 năm qua, nông dân tỉnh ta đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh. Nhân dịp tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua yêu nước, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. 

- PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả đạt được của nông dân tỉnh ta sau 5 năm phát động phong trào thi đua yêu nước?

- Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm: Trong 5 năm qua, nông dân tỉnh ta luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phát động các phong trào thi đua và chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.

Cụ thể, các cấp hội đã tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. Hiện nay, toàn tỉnh có 157 cơ sở và 1.299 chi, tổ hội. 100% xã, phường, thị trấn có nông dân đều có tổ chức hội. Hoạt động hội ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Nội dung sinh hoạt hội được đổi mới, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, lợi ích chính đáng của hội viên nông dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên phạm vi cả tỉnh. Bình quân hàng năm có 80 - 90 ngàn hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp.

So với thời kỳ 2005-2010, số hộ nông dân SXKDG các cấp vừa mở rộng quy mô, vừa phát triển đa ngành, đa nghề. Đến nay toàn tỉnh có 60.771 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG 4 cấp, chiếm 37,5% so với tổng số hội viên, tăng 12,6% so với giai đoạn 2005-2010. Trong đó, cấp Trung ương 184 hộ, cấp tỉnh 1.375 hộ, cấp huyện và cơ sở  35.287 hộ.

Trên lĩnh vực trồng trọt, hội viên nông dân tích cực tham gia “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đất lúa, màu hiệu quả thấp sang nuôi tôm, cá, trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có 13.500 ha diện tích sản xuất đạt giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, chiếm 16,3% so với tổng diện tích đất nông nghiệp. Sản lượng lương thực tăng từ 24,1 vạn tấn năm 2010 lên 29,9 vạn tấn năm 2014.

Một làng nghề thủ công của nông dân tỉnh ta.
Một làng nghề thủ công của nông dân tỉnh ta.

Chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với phòng, chống, kiểm soát an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp có xu thế tăng dần. Năm 2011 đạt 41,7%, năm 2014 đạt 45,6%. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 mô hình kinh tế trang trại, trong đó có 652 trang trại theo tiêu chí mới.

Hiệu quả của kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, đặc biệt là trồng rừng kinh tế và rừng trồng phục vụ chế biến. Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được các cấp hội phối hợp với chính quyền thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng độ che phủ rừng lên 67,8% năm 2014.

Việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản được đẩy mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.768 tàu tham gia khai thác thủy sản, trong đó 1.076 chiếc có công suất trên 90CV. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy hải sản nước mặn, lợ và nuôi nước ngọt trên 4.880 ha. Các loại hải sản có giá trị kinh tế cao đã được nông dân đầu tư nuôi có hiệu quả. Một số ngành nghề truyền thống như mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, nón lá... tiếp tục duy trì và phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Các tổ chức hội còn vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ 22.467 hộ nghèo đói vươn lên khá, tăng 4.749 hộ so với giai đoạn 2005-2010. Hội viên nông dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công và trên 7 tỷ đồng giúp đỡ hội viên nghèo, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê. Qua phong trào, nông dân luôn thể hiện được vai trò nòng cốt, chủ lực. Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh được các cấp hội tích cực phối hợp với chính quyền, Mặt trận, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng- an ninh  trong tình hình mới; ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác cách mạng cho hội viên, nông dân.

Hội đã ký kết với Bộ đội Biên phòng thực hiện công tác vận động nông dân phát triển kinh tế-xã hội, “Xây dựng điểm sáng biên giới”, xây dựng các tổ đoàn kết trên biển giúp nhau trong sản xuất, bảo vệ ngư trường, bảo vệ an ninh biển đảo quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 3.968 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 290.000 lượt người, tăng 39,1% so với giai đoạn 2005-2010...

- PV: Vậy nhiệm vụ trọng tâm của phong trào nông dân thi đua yêu nước trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm: Trước hết, chúng tôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia tích cực, hiệu quả. Tập trung vào trọng tâm là ba phong trào thi đua của hội gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở. Gắn các phong trào thi đua của hội với việc củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Tăng cường bám sát cơ sở để chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ từ việc phát động, bồi dưỡng, kiểm tra đến việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tổ chức các buổi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Xây dựng củng cố tổ chức hội các cấp vững mạnh, thực sự trở thành trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tăng cường các hoạt động liên kết, phối hợp, tranh thủ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân...

Để góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hơn nữa cho các cấp Hội Nông dân trực tiếp tham gia một số chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, các cấp chính quyền trích kinh phí hỗ trợ cho các cấp hội xây dựng mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo, góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh. Mong Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để nông dân được vay vốn sản xuất; có chính sách tiêu thu sản phẩm do nông dân làm ra để tránh hiện tượng được mùa rớt giá. Đặc biệt là chính sách để hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển khai thác hải sản, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước...

- PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!

Xuân Vương (thực hiện)