.
Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI:

Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và kiến nghị của cử tri

Thứ Sáu, 24/07/2015, 15:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI đã dành nhiều thời gian để giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Báo Quảng Bình xin lược ghi lại ý kiến trả lời của giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành về những vấn đề nổi lên mà cử tri quan tâm.

(Tiếp theo)

Thu gom rác thải ở Đồng Hới.
Thu gom rác thải ở Đồng Hới.

Ông Lê Minh Ngân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT) như sau:

Vấn đề gây ô nhiễm môi trường do Nhà máy gạch ngói tuynen và Nhà máy tấm lợp Fibro tại xã Quảng Xuân được trả lời rằng: Vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy gạch ngói tuynen và Nhà máy tấm lợp Fibro tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch đã được cử tri phản ánh nhiều lần và các ý kiến phản ánh chủ yếu tập trung vào hai vấn đề chính là bụi và nước thải của hai nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 30-6-2015 Sở TN-MT đã phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch, UBND xã Quảng Xuân kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại hai Nhà máy, kết quả kiểm tra cho thấy: Cả hai nhà máy trong quá trình hoạt động tại một số thời điểm, ở một số khu vực trong khuôn viên, trước cổng và khu vực lân cận với khu dân cư vẫn còn hiện tượng bụi phát tán ra môi trường.

Sở TN-MT đã yêu cầu Nhà máy gạch ngói tuynen và Nhà máy tấm lợp Fibro nhanh chóng và nghiêm túc khắc phục các tồn tại nêu trên bằng các biện pháp như: Tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp; có biện pháp hạn chế bụi cuốn trong khuôn viên và trước cổng của các nhà máy; quản lý chặt chẽ các nguồn phát sinh bụi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; trồng cây xanh bảo đảm diện tích theo quy định; riêng Nhà máy Fibro phải dừng ngay hoạt động xay, nghiền tận thu sản phẩm hỏng tại nhà máy mà thực hiện thu gom vận chuyển về Nhà máy xi măng Cosevco 1 để xử lý. Đồng thời đã đề nghị chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra việc khắc phục của hai nhà máy nói trên. Nội dung này người dân phản ánh là có cơ sở.

Đối với vấn đề nước thải của Nhà máy gạch ngói tuynen và Nhà máy tấm lợp Fibro: Qua theo dõi kết quả giám sát môi trường các năm và 6 tháng đầu năm 2015 của hai nhà máy cho thấy các chỉ tiêu nước thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để khẳng định hoạt động của hai nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của khu vực.

Rừng phòng hộ dọc cửa biển từ sông Gianh đến cửa biển sông Roòn hiện có nhiều mỏ cát đang bị khai thác gây ảnh hưởng đến rừng được trả lời là: ngày 30-6-2015, Sở TN-MT đã phối hợp với Phòng TN-MT thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch cùng các xã, phường liên quan tiến hành kiểm tra tình hình khai thác cát tại các khu vực rừng phòng hộ ven biển từ phường Quảng Thọ đến xã Quảng Hưng. Qua kiểm tra cho thấy:

Đối với các đơn vị đã cấp phép khai thác: Đến thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Trường Phú đang tạm dừng khai thác, Công ty TNHH Trung Dương đã dừng khai thác, đang tiến hành san gạt mặt bằng để trồng cây phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định; riêng Xí nghiệp XDTH Thái Hoàng đang khai thác tại mỏ cát thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, việc khai thác của đơn vị đúng trong phạm vi ranh giới được cấp phép.

Qua báo cáo của các địa phương cũng như kiểm tra tại thực địa cho thấy không có tình trạng khai thác cát trái phép tại các khu vực khác làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.

Cử tri xã Phúc Trạch đề nghị Sở TN-MT làm việc với Công ty trắc địa bản đồ Bình Minh để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất cho nhân dân xã Phúc Trạch được trả lời như sau: Sở đã làm việc và yêu cầu Công ty cổ phần tin học và trắc địa bản đồ Bình Minh phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ để trình cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân xã Phúc Trạch trong tháng 7-2015, hiện nay đơn vị đang thực hiện nộp lại hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất tại Văn phòng Đăng ký QSD đất huyện Bố Trạch.

Vậy, Sở TN-MT đề nghị UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo Văn phòng Đăng ký QSD đất huyện, Phòng TN-MT huyện phối hợp kiểm tra trình UBND huyện ký cấp giấy chứng nhận QSD đất để xử lý kịp thời cho cử tri.

Ông Phạm Đức Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV MT&PT Đô thị Quảng Bình trả lời bằng văn bản kiến nghị cần có kế hoạch thu gom rác thải sinh hoạt tại phường Đồng Sơn và xã Nghĩa Ninh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như sau: Hiện nay công ty đã tổ chức thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt đạt 11/12 tổ dân phố, số hộ hợp đồng 1.662 hộ, đạt tỷ lệ 67,5% đối với phường Đồng Sơn và 8/9 thôn trên địa bàn xã Nghĩa Ninh.

Riêng vùng Trạng, Cồn Chùa (tổ dân phố 12 phường Đồng Sơn) có khoảng 97 hộ với địa bàn độc lập, cách trở, nằm ở vùng phía tây cách đường Hồ Chí Minh khoảng 5km và thôn 7 Ba Đa  (xã Nghĩa Ninh) có khoảng 80 hộ dân nằm sát phía tây đường Hồ Chí Minh, hệ thống đường giao thông ở các khu dân cư này không thuận tiện, mật độ dân cư ở thưa và khoảng cách giữa các nhà quá xa nhau. Mặt khác phương tiện thiết bị, vận chuyển, công tác thu gom chưa đáp ứng được yêu cầu, kinh phí không đủ để chi trả trực tiếp cho người lao động của công ty thực hiện thu gom.

Qua khảo sát với điều kiện thực tế địa bàn tổ dân phố 12 phường Đồng Sơn và thôn 7 Ba Đa xã Nghĩa Ninh, công ty tiếp tục nghiên cứu phương án hợp lý để đề xuất UBND thành phố Đồng Hới mở rộng địa bàn phục vụ thu gom rác thải. Ban đầu, công ty đề xuất phương án xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm, cộng đồng dân cư tổ chức thu gom và tập kết ở trạm trung chuyển, công ty thực hiện vận chuyển đến bãi rác để xử lý với nguồn kinh phí đặt hàng từ UBND thành phố Đồng Hới nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Hiện nay, công ty tiếp tục tăng cường ký hợp đồng với các hộ dân còn lại ở các địa bàn 11 tổ dân phố của phường Đồng Sơn và 8 thôn của xã Nghĩa Ninh đã tham gia mà chưa đạt yêu cầu nhằm bảo đảm thu gom triệt để lượng rác tồn đọng trôi nổi ở trên các địa bàn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Xin đầu tư điện chiếu sáng đối với tuyến đường Trần Nhật Duật đi Đức Ninh và đường Phan Đình Phùng để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông được trả lời rằng: Hiện nay chỉ mới có 90 tuyến đường chính và ngõ xóm khu dân cư trên tổng số hơn 225 tuyến đường của thành phố có hệ thống điện chiếu sáng. Công ty đã có công văn trình Sở Kế hoạch-Đầu tư và UBND tỉnh, UBND thành phố Đồng Hới xem xét đầu tư hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn thành phố Đồng Hới giai đoạn 2014-2015 để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như du lịch và nâng cấp thành phố lên Đô thị loại 2, trong đó có tuyến đường Trần Nhật Duật thuộc xã Đức Ninh. Tuy nhiên đến nay chưa có kinh phí để đầu tư.

Công ty sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất phương án để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống điện tại các tuyến đường này, cũng như một số tuyến đường cấp thiết khác nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông cũng như an ninh xã hội

Hệ thống thoát nước đường Lý Thái Tổ, đường 15 cũ đến Trường THPT Đồng Hới bị ngập, gây ô nhiễm môi trường, được trả lời là: Kiến nghị của cử tri rất chính đáng. Tuy nhiên hiện tại nhiều khu vực trong TP. Đồng Hới chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước mưa và nước thải cần phải được xây dựng nhằm giảm thiểu ngập úng và ô nhiểm môi trường, nhưng với nguồn ngân sách hạn hẹp nên hàng năm UBND tỉnh chỉ bố trí một phần kinh phí để thực hiện đầu tư trên một số khu dân cư. Việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cho toàn thành phố đòi hỏi cần kinh phí rất lớn.

Để giải quyết thực trạng đó, UBND tỉnh đã làm việc với các ban, ngành Trung ương, Chính phủ và cơ quan hợp tác phát triển quốc tế để có phương án giải quyết. Với nỗ lực thực hiện, Dự án Vệ sinh môi trường TP. Đồng Hới đã được Chính phủ Việt nam và Ngân hàng Thế giới ký kết Hiệp định tín dụng đầu tư với mục tiêu giảm thiểu úng lụt và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho TP. Đồng Hới với nguồn vốn Chính phủ vay của Ngân hàng Thế giới cấp phát cho tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, với nguồn vốn hạn chế, địa bàn TP. Đồng Hới rộng, mật độ dân cư không đều, nên chỉ mới thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước mưa và nước thải trên một số phường/xã của thành phố. Qua đó đã góp phần cải thiện tình hình ngập úng, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị của các khu vực đã được đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn nhiều phường, xã vẫn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và thu gom nước thải. UBND tỉnh đã cùng các sở, ban, ngành, UBND thành phố và công ty đã gấp rút xúc tiến với các bộ, ngành, Trung ương, Chính phủ và các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á) để tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án VSMT TP. Đồng Hới giai đoạn II và Dự án phát triển môi trường đô thị thích ứng biến đổi khí hậu nhằm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải tại các khu vực phường Đồng Mỹ, Hải Đình, Hải Thành, Bắc Lý, Nam Lý, Đồng Phú, Đức Ninh Đông, Đức Ninh, Đồng Sơn, Phú Hải, Bảo Ninh... trong đó có hệ thống thoát nước đường Lý Thái Tổ và đường 15 cũ đến Trường THPT Đồng Hới.

Đến nay Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành Trung ương đã cơ bản đồng ý, dự kiến dự án sẽ được đầu tư từ năm 2016 đến năm 2020. Sau khi thực hiện sẽ cơ bản giải quyết giảm thiểu các điểm ngập úng và ô nhiễm môi trường hai bên tuyến đường này cũng như các khu vực khác trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Tr.T

(Còn nữa)