.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Góp phần tích cực vào sự thành công của kỳ họp

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:56 [GMT+7]

(Tiếp theo và hết)

(QBĐT) - Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề cập đến khá nhiều vấn đề. Trước hết, về việc quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành, đại biểu không tán thành với ý kiến đề nghị mở rộng quy định một số tội phạm, hình phạt trong luật chuyên ngành mà không cần sửa đổi, bổ sung điều khoản cụ thể của Bộ luật Hình sự (BLHS).

>> Tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật

Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu đã phân tích và cho rằng, BLHS hiện nay của chúng ta gần như là hoàn thiện và đầy đủ; hơn nữa, việc mở rộng nguồn của của bộ luật này còn có thể phá vỡ tính hệ thống của pháp luật về hình sự; vì vậy, trong điều kiện hiện nay thì chưa nên mở rộng nguồn của BLHS.

Góp ý về việc Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội một số vấn đề lớn, quan trọng, làm thay đổi chính sách hình sự mà còn có ý kiến khác nhau, đại biểu nhấn mạnh: “Đúng là việc xác định rõ những chính sách lớn là rất quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng bộ luật đúng hướng. Tuy nhiên, đối với một bộ luật quan trọng như BLHS, liên quan tới quyền tự do thân thể, sống, chết của cá nhân thì không có vấn đề nào là nhỏ, vấn đề nào, điều luật nào cũng đều là vấn đề lớn cả. Vì vậy, việc sửa đổi bộ luật cũng cần phải có quỹ thời gian thích hợp, không thể vội”.

Đại biểu tán thành đề nghị xin ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS (sửa đổi). Theo đại biểu, “BLHS hiện hành có gần 400 điều, chỉ giữ nguyên 43 điều, bỏ 6 điều, bổ sung 68 điều, sửa đổi 329 điều; tất cả các điều này, đặc biệt điều được sửa đổi, bổ sung cần được xem xét thận trọng, bảo đảm không chỉ phù hợp thực tiễn, yêu cầu của Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà còn phải phù hợp với hệ thống pháp luật, một điều sửa đổi hoặc bổ sung bất hợp lý có thể đưa một người vô tội vào vòng lao lý hoặc ngược lại tạo kẽ hở cho tội phạm lộng hành”. Đồng thời, đại biểu cũng đã đưa ra một số ví dụ cụ thể về những bất cập giữa điều luật sửa đổi bổ sung mới trong dự thảo và các điều luật được giữ nguyên để chứng minh lập luận nêu trên.

Về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Mạnh Cường, Hà Hùng Cường đã tham gia nhiều ý kiến. Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã có ý kiến phát biểu đề nghị Quốc hội cần đưa “Quyền im lặng của người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo” vào luật nhằm tạo bước đổi mới trong sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) lần này.

Theo đại biểu: “Quyền im lặng là quyền người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo không trình bày lời khai khi chưa có luật sư của họ; khi họ thấy cần có luật sư bào chữa, bảo vệ cho chính mình”. Theo đó, trong khoảng thời gian chưa có luật sư, không thể buộc họ phải trình bày lời khai; việc trình bày lời khai hay không là quyền của họ. Nghĩa vụ của cơ quan điều tra khi thực hiện lời khai, phải thông báo đầy đủ cho người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo biết họ có quyền im lặng theo quy định của pháp luật.

Sau khi phân tích về sự cần thiết, đại biểu nhấn mạnh: “Quyền im lặng có thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan điều tra khi vụ án có nhiều đồng phạm, việc im lặng của nghi phạm có thể sẽ cản trở quá trình điều tra, nhưng chúng ta không vì thế mà không đưa quyền im lặng vào luật sửa đổi lần này. Vì vậy cần có định hướng sửa một cách triệt để điều 40; 41; 42; 43 theo hướng “người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền im lặng không đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Ngoài vấn đề trên, rút kinh nghiệm từ bài học qua vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu đề nghị xem xét mở rộng đối tượng được chỉ định luật sư bào chữa đối với tội phạm từ 10 năm trở lên tại điều 108 của dự thảo luật, vì tại điều này chỉ quy định chỉ định luật sư bắt buộc đối với án chung thân, tử hình, để hạn chế tình trạng oan sai. Đại biểu còn đề nghị xem xét lại quy định tại điểm 2, điều 110 về việc cấp Giấy đăng ký bào chữa cho luật sư bào chữa.

Theo đại biểu, nếu đổi mới triệt để thì tốt nhất nên bỏ thủ tục này vì luật sư đã có thẻ luật sư, có chứng chỉ hành nghề, thủ tục này chỉ gây phiền phức, tạo rào cản không cần thiết giữa luật sư với bị can, bị cáo. Bài phát biểu trên của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã được Báo Đại biểu nhân dân số ra ngày 17-6-2015 cập nhật đưa lên trang nhất, một số tờ báo khác cũng cập nhật điểm tin.

Sau những ý kiến phát biểu gần như liên tục từ tổ đến hội trường, kể cả phát biểu chất vấn, các đại biểu Quốc hội tỉnh vẫn tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến để tham gia phát biểu tại hội trường đối với dự án luật khác, như: Luật Phí, lệ phí; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật An toàn thông tin; Luật Khí tượng thủy văn và Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để có cơ sở cho các cơ quan soạn thảo bổ sung, điều chỉnh, chuẩn bị đưa ra thảo luận tiếp tục và thông qua tại kỳ họp sau.

Tính hết kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã cùng Quốc hội biểu quyết thông qua 11 dự án luật, gồm: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách nhà nước; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tham gia biểu quyết thông qua đối với 8 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về giám sát chuyên đề; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài việc tham gia thực hiện chương trình kỳ họp, các đại biểu còn tham gia sinh hoạt, dự các phiên họp quan trọng khác do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; tham gia viết bài đăng báo, trả lời phỏng vấn báo chí; đồng thời tiếp tục tăng cường giao lưu thể thao, văn hóa; tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các đoàn, các bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ. Cuối kỳ họp, lãnh đạo đoàn tổ chức họp đoàn lấy ý kiến đánh giá về cách thức tổ chức kỳ họp, chất lượng kỳ họp theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá về hoạt động của đoàn và của từng đại biểu cũng như bộ phận thư ký, phục vụ để rút kinh nghiệm.

Buổi chiều ngày 26-6-2015, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII chính thức bế mạc. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành được chương trình, kế hoạch đề ra. Trong thành công chung đó có sự đóng góp đáng ghi nhận của mỗi một đại biểu và của cả tập thể Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Phong Hồng-Ất Mão