.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Những ý kiến đóng góp xác đáng

Thứ Tư, 01/07/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - L.T.S: Thực hiện Kế hoạch số 17-KH/TBTT của Tiểu ban Tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 tỉnh, kể từ số báo này, Báo Quảng Bình mở chuyên mục “Góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020”. Rất mong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng. Mọi ý kiến góp ý xin gửi về địa chỉ: toasoanqb@gmail.com.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XX vừa qua, nhiều đại biểu dự Đại hội đã thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án nhân sự Ban chấp hành và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Thượng tá Lê Thanh Hòa.
Thượng tá Lê Thanh Hòa.

- Thượng tá Lê Thanh Hòa, Phó trưởng Công an huyện Minh Hóa: Qua nghiên cứu, thảo luận, toàn bộ đảng viên thuộc Đảng bộ Công an huyện Minh Hóa cơ bản nhất trí cao với dự thảo Đề án nhân sự Ban chấp hành và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và xin góp ý một số ý kiến sau.

Về yêu cầu của đề án, Đảng bộ thống nhất: nên bỏ cụm từ “nói chung” tại dòng 5, trang 1 mà thay vào cụm từ “phải dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ để xây dựng phương án nhân sự”. Bởi việc này thể hiện được công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới là hết sức kỹ lưỡng, có quy hoạch, thể hiện được công tác đào tạo, bồi dưỡng những người tham gia vào Ban chấp hành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng giao phó.

Về tiêu chuẩn, dòng 17, của trang 2: Ngoài những tiêu chuẩn đã được quy định, trong đề án cần được bổ sung thêm: “Đối với cấp ủy viên là lực lượng vũ trang còn phải không vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an”.

Về nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đơn vị đề nghị nên thay cụm từ “đẩy lùi” bằng cụm từ “tích cực phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội” và thêm cụm từ “hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn, va chạm giao thông xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản” ở dòng 6 trên xuống, trang 38. Bổ sung thêm cụm từ “có chính sách thỏa đáng đối với các lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố và những người làm công tác an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở ở dòng 19 trên xuống trang 38 (phần này chưa được nêu trong báo cáo).

Ông Hoàng Văn Hải.
Ông Hoàng Văn Hải.

- Ông Hoàng Văn Hải, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hóa Tiến:  Trong thời kỳ hội nhập và xu thế toàn cầu hóa hiện nay thì ngoại ngữ-tiếng Anh là phổ biến nhất, có vai trò rất quan trọng nên Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm. Ngày 30-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1400/QĐ- TTg, phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, nhằm bảo đảm đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên...”.

Thể hiện quyết tâm đó, ngày 8-4-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 1400/QĐ-BGDĐT thành lập Ban quản lý đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Thực hiện đề án, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 20-2-2012 phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Qua đó cho thấy, Nhà nước ta đã có mối quan tâm đáng kể đến chiến lược đào tạo ngoại ngữ cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đặc biệt, tỉnh ta luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vì có nhiều tiềm năng sẵn có. Hàng năm, có hàng chục ngàn khách du lịch quốc tế đến đây. Ngành Du lịch đã đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Để tiếp tục phát triển ngành Du lịch, chúng ta cần phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho học sinh và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Bởi giờ đây, nhiều người dân Quảng Bình đang tham gia làm du lịch với nhiều hình thức khác nhau. Việc đào tạo ngoại ngữ còn giúp chúng ta có được nguồn lao động để xuất khẩu qua nước ngoài, quảng bá du lịch Việt Nam rộng rãi trên toàn thế giới. Vậy nên chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu, bổ sung nội dung dạy và học ngoại ngữ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới là rất cần thiết.

Xuân Vương (thực hiện)