.

Vững vàng bản lĩnh, không ngừng nâng cao trách nhiệm xã hội,vì sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước

Thứ Bảy, 20/06/2015, 19:49 [GMT+7]

(QBĐT) - 90 năm về trước, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền báo chí cách mạng Việt Nam được khai sinh từ đó.

>> Học nhân cách nhà báo Hồ Chí Minh

>> Xã luận: Luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa

>> Phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao trách nhiệm chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ của báo chí tỉnh nhà

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Báo Quảng Bình.
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Báo Quảng Bình.

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Báo chí cách mạng đã trở thành vũ khí chính trị - tư tưởng sắc bén của Đảng, đồng hành cùng dân tộc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc đã có hàng ngàn lượt nhà báo dũng cảm ra trận, không tiếc máu xương.

Hàng trăm nhà báo, người cầm bút, cầm máy đã ngã xuống, anh dũng hy sinh trên các mặt trận. Họ là những nhà báo - chiến sĩ, xung trận như bao người lính quả cảm vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa qua bốn thập kỷ nhưng bây giờ đọc lại những dòng tin, xem lại những thước phim, bức ảnh trực tiếp từ các chiến trường máu lửa, chúng ta như thấy hiện lên toàn cảnh ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh quả cảm của đồng bào, đồng chí, trong đó có gần 400 nhà báo đã nằm lại trên các chiến trường, hàng trăm nhà báo khác bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học...

Sau ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trong muôn vàn khó khăn, thử thách của đất nước sau chiến tranh. Đội ngũ những người làm báo Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ lại tiếp tục xung trận, một chiến trận không kém phần gay go khốc liệt là chống nghèo nàn, lạc hậu, chống sự trì trệ, bảo thủ, cản trở đổi mới, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Những năm tháng qua, báo chí nước nhà và đội ngũ những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào bởi chúng ta đã làm tốt, hoàn thành sứ mệnh cao cả là "phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự sự nghiệp đổi mới đất nước" do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Chưa bao giờ báo chí cách mạng Việt Nam có đội quân hùng hậu với trên 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay. Đội quân xung kích đó đang hoạt động trên các cơ quan báo chí với 845 cơ quan báo in, gồm 1.118 ấn phẩm báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương, 98 báo, tạp chí điện tử, 1.525 trang tin điện tử tổng hợp,... Lực lượng báo chí hùng hậu - cũng là một cơ thể sống như bất cứ lực lượng xã hội nào khác.

Trong quá trình phát triển đi lên, trong đội ngũ hàng chục ngàn nhà báo cũng có một bộ phận người này người khác suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật... những "con sâu" đó đã và đang bị phanh phui, đưa ra ánh sáng, bị đào thải khỏi đội ngũ những người làm báo chân chính... Đó là sự thật đau buồn mà mỗi người làm báo chân chính luôn phải tỉnh táo, thận trọng và không bao giờ được chủ quan, mất cảnh giác.

Hòa cùng dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam, như một nhánh nhỏ của con sông lớn, trong nhiều thập kỷ qua, báo chí Quảng Bình đã góp dòng nước trong lành, đầy bản sắc vào con sông lớn của báo chí nước nhà. Lật giở từng trang báo in, xem lại từng thước phim, tấm ảnh từ các loại hình báo chí của tỉnh, có thể nói báo chí Quảng Bình là bộ biên niên sử thu nhỏ của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Bởi trên từng trang báo, từng thước phim, tấm ảnh ấy tất cả mọi sự kiện, diễn biến của lịch sử đều được phản ánh trung thực, kịp thời, khách quan và được lưu giữ cho muôn đời.

Từ tờ "Con đường sáng" bí mật phát hành trong chi bộ Đảng nhà lao Đồng Hới năm 1930, được coi là tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh, đến các tờ Hồng Lạc (năm 1942), Vì nước, Liên Minh (1945), Thống Nhất (1946), Dân muốn (1947), Đánh mạnh (1949), Tất thắng (1954)... Trải qua các thời kỳ cách mạng, báo chí tỉnh ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 8 cơ quan báo chí, trong đó chủ lực là Báo Quảng bình và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, có 21 bản tin và tờ tin, 9 trang thông tin điện tử tổng hợp và gần 100 trang thông tin điện tử nội bộ các sở, ban, ngành, 8 đài truyền thanh - truyền hình huyện, thị, thành, 87 đài truyền thanh cấp xã, có gần 150 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và hàng trăm người làm báo chuyên và không chuyên đang làm việc trong các cơ quan báo chí của tỉnh.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, báo chí Quảng Bình luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, thực sự là công cụ tuyên truyền sắc bén, có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành tựu chung của tỉnh nhà qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên mảnh đất lửa Quảng Bình, các thế hệ làm báo tỉnh ta đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, lăn lộn cùng đồng bào, đồng chí viết nên trang sử vàng quê hương "Hai giỏi". Trong đội ngũ những người làm báo ngày ấy, có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, có người trở thành liệt sĩ, thương binh, số còn lại đã già yếu nhưng những tấm gương nghề nghiệp và đức hy sinh quả cảm của họ mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ làm báo ngày nay noi theo.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đặc biệt sau ngày tỉnh nhà trở về địa giới cũ, đội ngũ những người làm báo ở tỉnh ta luôn hướng về cơ sở, đến với vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn cách trở để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, đưa tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, chính quyền. Nhiều tác phẩm báo chí viết về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các gương sáng, điển hình tiên tiến thi đua từ cơ sở, về xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh,... đã góp phần tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước.

Báo chí và những người làm báo tỉnh ta cũng đã tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tỉnh nhà. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao của đội ngũ làm báo tỉnh ta đã đạt giải cao ở giải báo chí quốc gia, giải liên hoan truyền hình toàn quốc và khu vực, thể hiện bước trưởng thành trên mọi phương diện ngang tầm báo chí cả nước.

Càng tự hào về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, tự hào về những đóng góp to lớn của báo chí vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, cùng đội ngũ những người làm báo Việt Nam, những người làm báo tỉnh ta càng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, vững vàng về bản lĩnh, trong sáng về nhân cách, phải có "tâm" và có "tầm" để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn lúc nào hết, trước những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội hiện nay, người làm báo càng phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ".

Trong thời chiến, người làm báo như người lính xung trận để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc thì trong thời bình người làm báo và mọi hoạt động báo chí đều phải nhằm bảo vệ lợi ích của Đảng, của nhân dân, của chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, công sức mới đạt được. Báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những điều có lợi cho nhân dân, đất nước thì báo chí làm; những điều đi ngược lại quyền lợi nhân dân, đất nước thì báo chí không làm.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn điều cốt tử đó. Đội ngũ những người làm báo phải luôn hướng về cơ sở, đến với vùng sâu, vùng xa, miền núi xa xôi khó khăn cách trở, gắn bó máu thịt với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đem tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, chính quyền, đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với quần chúng nhân dân.

Trong thời đại truyền thông phát triển như vũ bão, nhiều thông tin nhiễu loạn như hiện nay, điều có ích cho quyền lợi của nhân dân, đất nước là định hướng dư luận xã hội đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân, vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó cũng là đạo đức nghề nghiệp cao nhất của báo chí Hồ Chí Minh, của đội ngũ những người làm báo chân chính.

Nhân kỷ niệm 90 năm, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo Quảng Bình hôm nay xin tỏ lòng biết ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các thế hệ làm báo đi trước, cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên và bạn đọc gần xa đã dành cho những người làm báo và sự nghiệp báo chí tỉnh nhà những tình cảm và sự ủng hộ quý báu trong suốt chặng đường qua.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cùng giới báo chí cả nước, những người làm báo tỉnh ta nguyện đoàn kết, chung sức chung lòng, vững vàng bản lĩnh, không ngừng nâng cao trách nhiệm xã hội, hướng tới nhân dân, vì nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.

Hoàng Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh,
Tổng biên tập Báo Quảng Bình