.

Hóa Tiến ngày ấy và bây giờ

Thứ Năm, 30/04/2015, 11:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa đã trở thành “tọa độ lửa” ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1965 đến năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng trút xuống nơi đây hàng vạn tấn bom đạn, gây ra nhiều tội ác cho quân và dân ta. Trong những ngày khó khăn, gian khổ đó, quân và dân Hóa Tiến đã vùng lên mạnh mẽ, đánh bại mọi âm mưu bắn phá của kẻ thù. Khi đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Hóa Tiến đã đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hóa Tiến có đường 12A đi qua, đó là một trong những con đường huyết mạch vận chuyển người và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trong xã có hệ thống hang hùng vĩ, là nơi đóng quân của Binh đoàn 559 và các hang chứa vũ khí, xăng dầu, xẻ gỗ... Nơi đây còn có cả bệnh viện 14 và hàng chục đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đóng và hành quân qua.

Với mục tiêu cắt đứt tuyến đường chi viện và đánh phá các mục tiêu của ta ở Hóa Tiến, từ năm 1965 đến năm 1972, giặc Mỹ đã điên cuồng trút xuống nơi đây hàng vạn tấn bom đạn. Chúng đã huy động máy bay hiện đại cùng vũ khí tối tân để hủy diệt mục tiêu. Cường độ đánh phá ngày càng ác liệt, nhất là những năm 1968,  1969. Bom Mỹ đã biến Hóa Tiến thành chiến trường nghi ngút hố bom, trở thành một vùng “đất chết”. Gần 60/120 nóc nhà dân bị cháy, bị hư hỏng nặng, trên 40 con trâu bò chết, 27 người dân vô tội thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Hang điều dưỡng ở xã Hóa Tiến là nơi điều trị cho nhiều thương binh trong chiến tranh.
Hang điều dưỡng ở xã Hóa Tiến là nơi điều trị cho nhiều thương binh trong chiến tranh.

Trước sự đánh phá ác liệt đó, quân và dân Hóa Tiến cùng các đơn vị đóng quân nơi đây đã nêu cao tinh thần chiến đấu, bám đất để sản xuất, bám đường để chống lại sự đánh phá của giặc Mỹ. Tại xã lúc đó thành lập một trung đội du kích được trang bị đầy đủ vũ khí cùng các lực lượng nơi đây tham gia chiến đấu.

Chính trung đội này cùng với lực lượng phòng không đã trực tiếp bắn hàng trăm tốp máy bay của địch, trong đó có 3 chiếc máy bay đã bị bắn rơi tại xã, tiêu diệt và bắt sống 4 giặc lái. Trong những ngày tháng đó, đã có hàng trăm con em xã Hóa Tiến đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp về các chiến trường ác liệt phía nam chiến đấu. Còn nơi hậu phương, người dân Hóa Tiến vẫn chăm lo sản xuất, chiến đấu, nuôi bộ đội, thanh niên xung phong. Hợp tác xã nông nghiệp Tân Yên được thành lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực cho bà con, nuôi bộ đội và chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc...

Khi hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân xã Hóa Tiến đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trong năm qua, kinh tế của xã đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng cao so với mức bình quân chung của toàn huyện. Giá trị sản xuất hàng năm đạt 41,5 tỷ đồng. Chương trình phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện có hiệu quả. Toàn xã có 2.194 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ giao cho các hộ gia đình chăm sóc.

Nhiều công trình mới được xây dựng đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn như: cầu Tân Tiến - Ông Chinh, cầu Má Dậy, trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế xã, đường giao thông nội vùng Ông Chinh - Má Lậu - Yên Hoà và đường nội thôn Tân Tiến... Đến nay, các công trình cơ bản hoàn thành và đưa vào phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Đến nay, xã đã ra quân giải tỏa hành lang giao thông tại các trục đường nội thôn, có 119 hộ hiến đất với tổng diện tích 7.464m2, cùng 134 hộ hiến cây, 20 hộ hiến tài sản khác, ước tính thành tiền 1.101 triệu đồng. Hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những tiềm năng sẵn có, Đảng bộ và nhân dân Hóa Tiến quyết đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương trở thành một trong những trung tâm kinh tế phía tây nam của huyện vào một ngày không xa.

Xuân Vương