.

Thông qua tờ trình về điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh

Thứ Tư, 11/03/2015, 15:51 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 36, sáng 11-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh.

>> Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với hoạt động kế toán

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đọc Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về bốn đề án: Thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn và thành lập mới huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Đề án thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nêu rõ thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ gần 39.722ha diện tích tự nhiên, gần 173.150 nhân khẩu và 21 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Triều.

Thành lập sáu phường Đông Triều, Mạo Khê, Đức Chính, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn thuộc thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai thị trấn Đông Triều, Mạo Khê và bốn xã Đức Chính, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn.

Sau khi thành lập thị xã Đông Triều và sáu phường thuộc thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm bốn thành phố, hai thị xã, tám huyện (chuyển một huyện thành một thị xã) và 186 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 111 xã, 67 phường, tám thị trấn (chuyển hai thị trấn và bốn xã thành sáu phường).

Thị xã Đông Triều có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm sáu phường và 15 xã.

Đề án thành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết việc thành lập thị xã Điện Bàn trên cơ sở toàn bộ hơn 21.470ha diện tích tự nhiên, 229.900 nhân khẩu và 20 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Điện Bàn.

Thành lập bảy phường Vĩnh Điện, Điện An, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương thuộc thị xã Điện Bàn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Vĩnh Điện và sáu xã Điện An, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương.

Sau khi thành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không thay đổi về số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 15 huyện, hai thành phố, một thị xã (chuyển một huyện thành một thị xã) và 244 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 207 xã, 25 phường, 12 thị trấn (chuyển một thị trấn và sáu xã thành bảy phường). Thị xã Điện Bàn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm bảy phường và 13 xã.

Đề án thành lập hai phường thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nêu rõ thành lập hai phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã Xuất Hóa, Huyền Tụng.

Thành lập thành phố Bắc Kạn trên cơ sở toàn bộ gần 13.700ha diện tích tự nhiên, 56.800 nhân khẩu và tám đơn vị hành chính cấp xã (sáu phường và hai xã) của thị xã Bắc Kạn (sau khi thành lập hai phường).

Sau khi thành lập hai phường thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, có tám đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố và bảy huyện (chuyển một thị xã thành một thành phố), có 122 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, sáu phường và sáu thị trấn (chuyển hai xã thành hai phường). Thành phố Bắc Kạn có tám đơn vị hành chính cấp xã, gồm sáu phường và hai xã.

Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập mới huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum nêu rõ thành lập mới huyện Ia H’Drai trên cơ sở điều chỉnh 98.013ha diện tích tự nhiên, 11.650 nhân khẩu và ba xã của huyện Sa Thầy.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập mới huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum không thay đổi về số đơn vị hành chính cấp xã nhưng có tăng một huyện (từ tám huyện và một thành phố thành chín huyện và một thành phố).

Huyện Ia H’Drai có 98.013ha diện tích tự nhiên, 11.650 nhân khẩu và ba xã Ia Dom, Ia Đal, Ia Tơi. Huyện Sa Thầy còn lại 143.500ha diện tích tự nhiên, 42.700 nhân khẩu và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm thị trấn Sa Thầy và 10 xã Sa Sơn, Sa Nhơn, Sa Bình, Ya Tăng, Ya Ly, Ya Xiêr, Sa Nghĩa, Hơ Moong, Rờ Kơi, Mô Rai.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể vào từng đề án. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo thẩm tra các Đề án của Chính phủ của Ủy ban Pháp luật. Theo đó, đối với đề án t hành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhiều ý kiến tán thành việc thành lập thị xã Đông Triều và các phường thị xã Đông Triều như đề nghị của Chính phủ.

Hai thị trấn và bốn xã của huyện Đông Triều về cơ bản đủ tiêu chuẩn để thành lập các phường, mặc dù còn một vài tiêu chuẩn cụ thể chưa đạt như mật độ dân số, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng, trung tâm thể dục thể thao.

Huyện Đông Triều hiện nay đã đạt đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Đông Triều (đủ 9/9 bộ tiêu chuẩn), chỉ còn thiếu 1/30 tiêu chuẩn là về nhà tang lễ là chưa đạt. Nhiều ý kiến đề nghị địa phương xây dựng lộ trình và các giải pháp để sớm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn còn thiếu trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các tiêu chí về dân cư không thể lúc nào cũng áp dụng cứng nhắc và đề nghị cần có tư duy mới về tiêu chí này để thay thế bộ tiêu chí cũ có những điểm không còn phù hợp với tình hình mới.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành bộ tiêu chuẩn mới về việc chia tách, thành lập mới, sáp nhập đơn vị hành chính và nâng cấp đô thị thuộc thẩm quyền theo Hiến pháp năm 2013.

Đối với đề án t hành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, các xã được đề nghị thành phường tuy vẫn còn một số tiêu chuẩn chưa đạt nhưng căn cứ hiện trạng phát triển của huyện Điện Bàn như hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn đô thị Điện Bàn đã khá hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc thành lập bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn là phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển của huyện Điện Bàn.

Về tổng thể, huyện Điện Bàn đã đạt đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Điện Bàn (đạt 9/9 bộ tiêu chuẩn), chỉ có trong bộ tiêu chuẩn về hệ thống hạ tầng đô thị còn 1/30 tiêu chuẩn là mật độ đường trong khu vực nội thị chưa đạt. Những tiêu chuẩn còn thiếu này đã được huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam đưa ra các giải pháp hữu hiệu để có thể khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đối với Đề án thành lập hai phường thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, mặc dù so với các tiêu chuẩn về việc thành lập phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh thì hai xã Xuất Hòa và Huyền Tụng và thị xã Bắc Kạn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhưng xét về yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Kạn là vùng chiến khu Việt Bắc có truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, nhiều ý kiến cơ bản tán thành đề nghị của Chính phủ về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn đồng thời đề nghị Chính phủ có những biện pháp đầu tư cụ thể để bảo đảm hai phường mới được thành lập đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị trong thời gian sớm nhất.

Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy, nhiều ý kiến đánh giá việc thành lập mới huyện Ia H’Drai có diện tích lớn, nằm ở khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia, cũng như có tiềm năng phát triển kinh tế nên việc thành lập này là cần thiết. Đây là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú từ lâu đời.

Trên cơ sở tán thành đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập mới huyện Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp bảo đảm số lượng biên chế cần thiết cho khu vực hành chính, sự nghiệp, bảo đảm ngân sách hoạt động, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho huyện mới Ia H’Drai.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn và thành lập mới huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật thống kê (sửa đổi).

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)