.

Nữ điều dưỡng mẫu mực

Thứ Năm, 22/01/2015, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Gặp chị trong buổi lễ tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức, tôi cứ ấn tượng mãi về nụ cười thật hiền của người điều dưỡng ấy. Chợt bất giác nghĩ thầm, không biết bao lần nụ cười hiền hậu và ánh mắt trìu mến của chị đã tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân trong cơn tuyệt vọng?

Tôi tìm gặp chị Hoàng Thị Vình, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba  Đồng Hới khi chị vừa bắt đầu ca trực bận rộn của mình. Mùi thuốc sát trùng cùng những cảnh tượng đau lòng nơi đây làm tôi choáng váng. Mỗi ca trực bắt đầu từ 7h sáng đến 7h tối. Thế nhưng, tính chất công việc khiến một ngày làm việc của đội ngũ thầy thuốc nơi đây bao giờ cũng kéo dài đến 8, 9h tối.

Phải tận mắt chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc, “luôn chân, luôn tay” của họ, chúng tôi mới thấm thía hơn lời chị nói: “Bữa ăn trưa thường bắt đầu lúc... 2h chiều, có lúc bận quá, phải ăn mì tôm thay cơm và vừa đứng, vừa ăn là chuyện diễn ra thường xuyên”. Mỗi ngày, đội ngũ điều dưỡng phải làm nhiều công việc khác nhau, chăm sóc chu đáo cho từng bệnh nhân, từ việc vệ sinh đến các thủ thuật khác. Bệnh nhân nơi đây đều là những ca bệnh nặng, nguy hiểm và dễ lây nhiễm.

Phần lớn trong số họ đang đứng ở lằn ranh của sự sống và cái chết. Đôi khi, sự nhanh hay chậm 30 giây của đội ngũ y, bác sỹ cũng quyết định đến sự sống còn của người bệnh. “Hiểu sâu sắc trọng trách đó, nên dù vất vả, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau làm việc hết mình, bất kể ngày hay đêm. Bởi, tôi hiểu, sự sống và tính mạng của bệnh nhân quý giá vô cùng”, chị Vình tâm sự thêm.

Điều dưỡng Hoàng Thị Vình chăm sóc cho bệnh nhân hôn mê sâu.
Điều dưỡng Hoàng Thị Vình chăm sóc cho bệnh nhân hôn mê sâu.

Cuộc trò chuyện ngắn của chúng tôi chỉ diễn ra chừng 30 phút nhưng không ít lần, người nữ điều dưỡng ấy ngân ngấn nước mắt. Nhắc đến những người bệnh của mình, chị lại bộn bề cảm xúc. Tròn 30 năm công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, trong đó, có 15 năm gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Vình không nhớ nỗi bao lần mình đã rơi nước mắt trước bệnh nhân. Đó là những bệnh nhân còn rất trẻ hay những người mắc bệnh hiểm nghèo, bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu...

Chị bảo rằng có những ca biết chắc là hy vọng sống rất mong manh. Nhìn họ, dẫu thấy xót xa lắm nhưng các chị vẫn phải giấu nước mắt vào trong bởi “nếu những người thầy thuốc điều trị cũng rơi nước mắt bất lực thì người nhà bệnh nhân sẽ càng đau lòng hơn bao nhiêu”, chị trải lòng. Và niềm vui với chị đó là mỗi ngày được thấy những dấu hiệu chuyển biến tích cực của bệnh nhân, như: hôm nay, họ có thể tự thở mà không cần nhờ đến máy móc, hay không cần dùng tới thuốc nâng huyết áp... Niềm hạnh phúc ấy nghe ra có vẻ bình dị nhưng chị hiểu, để có được điều đó không chỉ là nỗ lực của cả đội ngũ thầy thuốc mà còn là nghị lực, là bản năng sinh tồn tiềm ẩn trong mỗi bệnh nhân.

Tôi hỏi: “30 năm làm nghề, chắc hẳn đã không ít lần phải chứng kiến những ca bệnh nặng, không cứu chữa được. Có bao giờ, lâu dần, chị cũng chai sạn trước những mất mát đó?” Chị chỉ cười buồn: “Không. Bởi hơn ai hết, ở đây, chúng tôi hiểu để giành lại được sự sống cho bệnh nhân, cả y, bác sỹ và người bệnh phải nỗ lực như thế nào nên khi bệnh nhân không qua khỏi, chúng tôi đều cảm giác đau đớn vô cùng”.

Chị nhớ mãi, vài năm trước, có một bệnh nhân là một cậu sinh viên còn rất trẻ, bị tai nạn giao thông, phải nằm thở máy tròn 1,5 năm trời. Suốt chừng ấy thời gian, đội ngũ y, bác sỹ và điều dưỡng nơi đây đã thay nhau chăm sóc cho cậu tận tình, chu đáo. Chừng ấy thời gian đủ để họ thấy yêu thương, gắn bó với bệnh nhân đặc biệt ấy như chính người thân của mình. “Rồi cậu bé ấy được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để phẫu thuật nhưng đã không qua khỏi. Với chúng tôi, nỗi đau ấy chẳng khác gì nỗi đau mất đi người thân của chính mình”, chị cố kìm nén nỗi xúc động. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chị lại cùng đội ngũ thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc quyên góp tiền, mua đồ ăn giúp đỡ họ vơi bớt đi những nhọc nhằn.

Chị bảo, là một trong những điều dưỡng lớn tuổi nhất ở khoa, lại là một đảng viên nên trong công việc và cuộc sống thường nhật, chị luôn tự nhắc mình phải làm gương cho các bạn trẻ và cho con cái mình. Nữ điều dưỡng ấy luôn là người được ban lãnh đạo khoa tin tưởng giao cho trọng trách hộ tống bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Dù có lúc là đêm hôm khuya khoắt, hay đường xa, vất vả, chị cũng không nề hà. Kết thúc ca trực, về đến nhà, vẫn cứ nặng lòng mãi bởi hình ảnh những bệnh nhân đang đấu tranh từng giây, từng phút với tử thần. Nhiều đêm, công việc đi vào tận trong từng giấc ngủ của chị. Đồng nghiệp, người nhà bệnh nhân quý chị bởi sự tận tình, chu đáo và hơn tất cả, là một tấm lòng yêu thương, trân trọng người bệnh.

Khi nhắc đến nữ điều dưỡng, đảng viên Hoàng Thị Vình, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới không giấu được nỗi tự hào: “Trong công việc, đồng chí Vình là nữ điều dưỡng vững về chuyên môn, nghiệp vụ, lại tận tụy với công việc, hòa nhã với bệnh nhân. Đặc biệt, đây là một đảng viên gương mẫu, tham gia tích cực các hoạt động của Đảng bộ, của đoàn thể. Vừa qua, đồng chí Hoàng Thị Vình vinh dự được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tặng giấy khen về học tập và làm theo gương Bác”.

Nhìn nụ cười hiền hậu của nữ điều dưỡng Hoàng Thị Vình, tôi lại nhớ đến lời của đồng chí Văn Hoài Linh, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhận xét về chị: “Cứ nhìn chị Vình là thấy toát lên sự thân thiện. Một con người mà dù mới gặp, ai cũng ấn tượng bởi nụ cười rất hiền từ - điều rất cần thiết đối với mỗi người thầy thuốc”.

Diệu Hương