.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Hồi ức của một cựu tù Phú Quốc

Thứ Hai, 22/12/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - “Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chúng đã dùng máy bay chở chúng tôi tới sân bay An Thới trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mới đặt chân xuống, kẻ địch đã đóng anh em tù binh bằng những trận mưa đòn phủ đầu. Qua 3 năm bị giam cầm ở "địa ngục trần gian", tôi đã chứng kiến rất nhiều kiểu tra tấn tù binh dã man, rùng rợn... Nhưng vượt lên tất cả, những tù binh ở Phú Quốc vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, một lòng theo Đảng”. Đó là lời kể của cựu tù binh Phú Quốc Trần Xuân Lài, thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa (Minh Hóa) khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1963, ông Trần Xuân Lài, lên đường nhập ngũ. Lúc đó, ông được bổ sung vào đơn vị C2, D17 tiểu đoàn huấn luyện Quảng Bình. Huấn luyện xong, ông được điều sang Lào làm nhiệm vụ vận tải cho Binh đoàn 559. Tháng 7-1965, ông chuyển vào chiến trường Tây Nguyên thuộc đơn vị D17, F320 và đánh trận Đức Cơ đầu tiên ở Kon Tum. Sau đó, tiếp tục được điều về chiến trường Đông Nam bộ rồi Tây Nam bộ.

Trước Tết Mậu Thân năm 1968, ông được ăn Tết với người dân tỉnh Long An, trang bị vũ khí hiện đại nhất. Đúng 0 giờ đêm giao thừa, đại đội được lệnh nổ súng tấn công vào ngã tư Long Thuận. Do quá bất ngờ nên địch không kịp trở tay, chỉ trong vòng 20 phút, đại đội của ông đã tiêu diệt cả 1 tiểu đoàn địch, thu rất nhiều vũ khí và nhu yếu phẩm.

Năm 1969, địch lại tổ chức càn quét nên quân ta phải chia nhỏ lực lượng để tránh thiệt hại và tổ chức chiến tranh du kích tiêu hao sinh lực địch. Tháng 5- 1970, sau trận đánh ở Nhà Bè, dù chiến thắng nhưng phía ta vẫn chịu những thiệt hại, nhiều người phải hi sinh, trong đó có 4 người chưa lấy được xác.

Ông Lài kể: “Lúc đó khoảng 4 giờ sáng, tôi cùng 6 người vào lấy xác đồng đội thì bất ngờ bị địch phản công và tôi đã trúng đạn bất tỉnh. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên cáng, địch khiêng tôi lên xe ô tô rồi chở về bệnh viện Cộng Hòa điều trị vết thương sọ não”. Tiếp đó, địch hỏi ông để lấy lời khai nhưng ông vẫn giả câm, giả điếc và luôn sẵn sàng chịu chết chứ nhất định không khai.

Ông Trần Xuân Lài kể lại chuyện ở nhà tù Phú Quốc với phóng viên.
Ông Trần Xuân Lài kể lại chuyện ở nhà tù Phú Quốc với phóng viên.

Qua 1 tháng điều trị, chúng đưa ông về nhà tù Biên Hòa giam cầm chung với nhiều đồng đội. Lần đầu bị hỏi cung, chúng dụ dỗ rất ngọt, mời hút thuốc, uống nước, lấy tên, tuổi, quê quán. Còn những thông tin về đơn vị cùng những bí mật khác vẫn chưa thu thập được gì. Đúng 5 ngày sau, chúng tiếp tục lấy lời khai. Lần này một tên lính ngụy dữ tợn, mặt đầy sát khí chưa kịp hỏi han đã phi vào đánh phủ đầu bằng những cú đấm, đá, dùng dùi cui đánh túi bụi vào người khiến toàn thân bầm tím, chúng còn dùng những lời lẽ tục tĩu để chửi rủa, đe dọa ông.

Bảy ngày sau, chúng đưa ông lên sân bay Tân Sơn Nhất, bịt mắt rồi cho lên máy bay chở thẳng ra sân bay An Thới, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là nhà tù lớn nhất mà Mỹ, ngụy xây dựng thời đó với diện tích hàng chục ha, chia thành nhiều khu và phân khu, có sức chứa khoảng 40.000 tù binh cùng hàng chục ngàn tên cai ngục. Đảo Phú Quốc ở giữa trùng khơi, được bao bọc bởi nhiều lớp lính gác, hàng rào thép gai, cá sấu, rắn rết, bom mìn... Mới đặt chân xuống sân bay, Mỹ, Ngụy đã “chào đón” anh em tù binh bằng những trận mưa đòn thừa sống thiếu chết, bằng báng súng, dùi cui hay những cú đá bằng giầy đinh vào mặt.

Chưa kịp tỉnh, chúng bắt lên xe đưa về trại làm thủ tục nhập tù. Ông Lài kể lại với giọng đầy uất hận: “Cứ mỗi lần lên, xuống xe, chúng tôi phải hứng những trận đòn bằng dùi cui, giày đinh vào mặt, đầu. Những món đòn tàn ác đó khiến nhiều người chảy máu, gục ngã tại chỗ. Bước vào phòng, tôi đang ngơ ngác thì một tên cai ngục râu ria rậm rạp bước tới. “Bốp! Đ.mẹ mày không chào tao à! Tao nói cho chúng mày biết, đây là đảo Phú Quốc, cách đất liền hàng trăm km. Thằng nào muốn trốn, xin mời. Vào đây, chúng mày phải tuyệt đối ngoan ngoãn, chấp hành mọi quy định của nhà tù, không thì chết thê thảm, đau đớn”.

Trong suốt ba năm bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc ông đã chứng kiến những hình thức tra tấn, hành hạ rất độc ác, rùng rợn mà Mỹ, ngụy trút lên các tù nhân cộng sản. Theo các tài liệu ghi, nhà tù Phú Quốc có 24 loại hình tra tấn tù binh. Hình thức nào cũng dã man, rùng rợn, như: Dùng chày đập nát vụn mắt cá chân, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực, tẩm dầu đốt cháy dương vật, bẻ răng, luộc người trong chảo nước sôi hay nướng người trên lửa than rực hồng...

Ngoài ra, chúng dụ dỗ, đe doạ, khủng bố, đánh đập bằng những nhục hình tàn khốc hơn cả thời trung cổ, thậm chí nã súng cối, đại bác vào trại giam gây chết người hàng loạt. Ông Lài kể: “Có lần, chúng dùng cây gậy bịt đồng đánh vào miệng một người tù binh khiến anh gục xuống, mấy cái răng bay tung tóe, máu trong miệng phun ra từng dòng. Uất quá, chúng tôi định lao vào quyết tử thì tên kia giương súng bắn chết 3 tù binh tại chỗ”...

Còn bản thân ông Lài, những năm tháng ở tù ông giả câm giả điếc, giả điên nhưng chúng vẫn không tha. Bọn cai ngục đã dùng dùi cui, báng súng đánh ông hàng trăm lần, nhiều lúc miệng sưng vù phải bỏ cơm mấy ngày liền. Có đêm nằm trong tù, giòi bọ bò túa ra khắp phòng, chui cả vào mồm, vào mũi.

Có thời gian tù nhân đông quá, chúng nhồi nhét mỗi phòng lên đến 150 người, trong khi sức chứa tối đa một phòng giam là 60 người. Vậy là anh em phải chung nhau một chỗ nằm. Nếu một người nằm thì hai người kia phải ngồi hoặc phải quỳ dưới chân. Mỏi quá thì luân chuyển cho nhau.

Chế độ nhà tù hà khắc vẫn không làm nhụt tinh thần yêu nước của chiến sỹ cộng sản ta. Bên trong, hàng chục ngàn tù binh vẫn tập hợp lại với nhau để xây dựng tổ chức, sinh hoạt Đảng, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, tổ chức học chính trị.

Có lần, ông Lài cùng với anh em trong phòng dùng thìa ăn cơm, mảnh tồn vụn đào 120 mét đường hầm, vượt qua 6 hàng rào thép gai để vượt ngục. Đào gần xong thì địch phát hiện, chúng lôi 19 anh em trong phòng ra đánh đập dã man, dùng nhiều hình thức tra tấn man rợ khiến 2 người chết. Sau đó, chúng đưa anh em đến phân khu khác nhốt vào một căn phòng chật chội, tiếp tục tra tấn suốt thời gian dài...

Đến năm 1973, ông Trần Xuân Lài được ra tù theo diện trao trả tù binh, ông tiếp tục gắn bó với binh nghiệp, tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Hòa bình lập lại, ông lập gia đình rồi quay trở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Năm 1977, ông ra quân với cấp bậc trung úy, chính trị viên đơn vị. Giờ đây, người thương binh hạng 4/4 đang sống hạnh phúc bên gia đình, nuôi con cái khôn lớn thành đạt...

Xuân Vương