.

Nâng cao vai trò và hoạt động của đảng bộ bộ phận

Thứ Năm, 14/08/2014, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, đảng bộ bộ phận (ĐBBP) có vai trò vừa là cầu nối triển khai các chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời đến với đảng viên, quần chúng nhân dân; đồng thời xây dựng nghị quyết lãnh đạo các chi bộ trực thuộc làm tốt công tác vận động quần chúng và làm nòng cốt trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính ở thôn, tổ dân phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ĐBBP còn những vướng mắc cần tháo gỡ.

Sự cần thiết của ĐBBP

Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy đã chỉ đạo trong toàn Đảng bộ kiện toàn, sắp xếp các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, tạo sự chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Trong đó, các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đã tiến hành sắp xếp tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn dân cư theo mô hình dưới đảng bộ xã, phường, thị trấn là chi bộ thôn, bản và tổ dân phố. Đối với những thôn, tổ dân phố có số lượng đảng viên đông thì thành lập ĐBBP có các chi bộ trực thuộc.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang thì việc thành lập ĐBBP đối với chi bộ có hơn 30 đảng viên tiến hành còn chậm. Một số cấp ủy cho rằng, ĐBBP chỉ là cấp trung gian, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị nên nhiều chi bộ không muốn thành lập ĐBBP, vì vậy có những khó khăn, lúng túng trong tổ chức sinh hoạt, quản lý đảng viên. Mặt khác, có địa phương trong cùng một thôn nhưng có nhiều chi bộ trực thuộc đảng ủy xã nên khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau khi khảo sát và đánh giá thực trạng các chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Theo đó, những chi bộ thôn, tổ dân phố có hơn 50 đảng viên thì thành lập ĐBBP trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Dưới ĐBBP thôn, tổ dân phố là chi bộ xóm, đội sản xuất, chi bộ tổ dân cư. Không để một thôn, tổ dân phố có nhiều chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp các chi bộ trực thuộc ĐBBP còn đông đảng viên thì cần nghiên cứu sắp xếp, chia tách quy mô thôn, tổ dân phố cho phù hợp.

Các đồng chí trong BCH ĐBBP Tân Sơn, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới trao đổi công việc.
Các đồng chí trong BCH ĐBBP Tân Sơn, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới trao đổi công việc.

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hiền cho biết, sau hơn một năm thực hiện hướng dẫn trên, đến giữa năm 2014, Đảng bộ Quảng Bình có 126 ĐBBP, với 463 chi bộ trực thuộc. Trong số 12 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh thì có 9 đảng bộ thành lập ĐBBP, riêng Đảng bộ TP. Đồng Hới trong năm 2013 thành lập 30 ĐBBP, với 96 chi bộ trực thuộc ĐBBP và 1.965 đảng viên.

Khi vai trò của ĐBBP được phát huy

Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú (Đồng Hới) Trần Ngọc Dũng cho biết, đảng bộ có 769 đảng viên, sinh hoạt tại 20 chi bộ cơ sở, trong đó có chi bộ gồm 117 đảng viên. Do số lượng đông nên một số cấp ủy chưa quản lý tốt đảng viên, trong sinh hoạt đảng chưa tạo được nền nếp, chất lượng phê bình và tự phê bình còn yếu. Cấp ủy và chi bộ chưa nắm chắc tình hình tư tưởng và phẩm chất của đảng viên.

Bên cạnh đó, việc phân công nhiệm vụ cũng như kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên còn hạn chế. Cũng do đông đảng viên nên điều kiện tổ chức sinh hoạt chưa tốt, hội trường không bảo đảm, ý kiến phát biểu không nhiều, bí thư không bao quát hết cuộc họp nên chất lượng sinh hoạt không cao. Vì vậy, khi Thành ủy Đồng Hới ban hành đề án thành lập ĐBBP, đảng ủy phường tiến hành thực hiện ngay. Đến nay, đảng bộ phường đã thành lập được 4 ĐBBP.

Chúng tôi cùng một cán bộ của đảng ủy phường Đồng Phú đến thăm đồng chí Lê Thuận Chiến, bí thư ĐBBP 2- vốn trước đây là bí thư chi bộ quản lý 117 đảng viên. Đồng chí rất vui mừng trước chủ trương thành lập ĐBBP. Đồng chí trao đổi rằng, trước đây khi còn chi bộ đông, mỗi lần họp nhiều đảng viên phải mang ghế ngồi ngoài hành lang nhà văn hóa, nghe tình hình qua loa rồi vỗ tay ra về, muốn phát biểu cũng không có điều kiện.

Điều quan trọng là hoạt động của chi bộ cơ sở mà chưa thực sự sát cơ sở, chưa lãnh đạo giải quyết được các vấn đề phát sinh trong khu phố như ô nhiễm môi trường, nạn số đề, mất an ninh trật tự vào ban đêm... Bây giờ ĐBBP được thành lập, có 4 chi bộ trực thuộc, với số lượng 20-36 đảng viên/chi bộ.

Hàng tháng sau khi trực báo từ đảng ủy phường về, ban chấp hành ĐBBP họp để đánh giá nội dung, đề ra chương trình hoạt động trong tháng, trên cơ sở đó, các chi bộ triển khai trong đơn vị mình, gắn với điều kiện cụ thể của từng chi bộ. Do vậy, chỉ trong năm 2013, nhiều vấn đề bức xúc trong khu phố cơ bản được giải quyết như nạn số đề, an ninh trật tự được bảo đảm.

Đồng chí Lê Thuận Chiến nói thêm, với một cán bộ nghỉ hưu cao tuổi đảm đương công việc bí thư chi bộ có hơn 110 đảng viên đã khó, còn quản lý thêm 300 đảng viên đương chức sinh hoạt trên địa bàn. Mỗi năm chỉ riêng việc nhận xét cho đảng viên sinh hoạt trên địa bàn đã chiếm mất nhiều thời gian. Từ khi ĐBBP được thành lập, việc nhận xét đó được giao cho các bí thư chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt nên đồng chí được "giảm tải" hơn.

Chúng tôi đến thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh (Đồng Hới) khi các cựu chiến binh nơi đây đang trồng những cây xanh cuối cùng trong khuôn viên nhà văn hóa. Các đồng chí trong BCH ĐBBP thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh vui vẻ đón chúng tôi, rồi đi thẳng vào công việc. Bí thư đảng ủy Lê Ngọc Thạch cho biết: Trước tháng 8-2012, ĐBBP Tân Sơn là chi bộ với 52 đảng viên, gánh vác công việc cấp ủy chỉ 3 đồng chí nên cũng chưa phát huy hết khả năng tổ chức thực hiện các nghị quyết.

Từ khi thành lập ĐBBP với 3 chi bộ trực thuộc, số cán bộ nằm trong đảng ủy và chi ủy tăng lên 11 người nên sức mạnh tập thể trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương được tăng lên đáng kể. Mỗi tháng, đảng bộ chọn 1 nội dung để ra nghị quyết lãnh đạo, thực hiện, đến kỳ sinh hoạt tiếp theo đánh giá lại xem đã làm được gì, cái gì còn vướng hoặc chưa làm được, tìm cách khắc phục hoặc báo cáo lên đảng ủy cấp trên đề nghị hướng giải quyết.

Đồng chí Đặng Cảnh, Phó bí thư đảng ủy kiêm trưởng thôn Tân Sơn nêu ví dụ: "Chẳng hạn như việc làm đường giao thông trong thôn nhiều năm nay luôn ì ạch, từ khi ĐBBP Tân Sơn thành lập và có nghị quyết về vấn đề này, các chi bộ vận động đảng viên và gia đình đảng viên phải gương mẫu đóng góp trước rồi vận động bà con lối xóm. Chỗ nào khó, gia đình nào khó, các đồng chí trong chi ủy hoặc đảng ủy đến tận nơi để trao đổi tình hình, tìm hướng khắc phục nên chỉ trong năm 2013, toàn thôn đóng góp bê tông được 11 tuyến đường dài gần 1.400m, còn một số tuyến ngắn đang được triển khai trong năm nay để xóa toàn bộ đường đất".

Đồng chí Đặng Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Đức Ninh nhận xét: "Ban đầu khi thực hiện đề án thành lập ĐBBP có người chưa hiểu nên còn hoài nghi, thậm chí chưa đồng tình. Để tạo sự đồng thuận về mặt chủ trương, chúng tôi tuyên truyền để những đảng viên này hiểu chủ trương của Đảng, đề án của Thành ủy trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ cơ sở.

Qua hơn một năm thành lập ĐBBP cho thấy đề án này là đúng và phù hợp với thực tế ở cơ sở. Trước hết là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng viên có điều kiện góp ý, tự phê bình và việc đánh giá chất lượng đảng viên chặt chẽ hơn. Thứ hai là thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, cụ thể thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, thành lập các tổ tự quản hoặc tổ liên gia trong các khu dân cư.

So với TP. Đồng Hới thì việc thành lập ĐBBP ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh được thực hiện từ nhiều năm trước và gắn với hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN). Nếu ở Đồng Hới, cấp ủy của các ĐBBP chủ yếu là các đảng viên nghỉ hưu hoặc không trực tiếp sản xuất thì tại Lệ Thủy là những đảng viên trực tiếp sản xuất, kiêm nhiệm các chức danh chủ chốt trong HTX.

Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lệ Thủy Trần Viết Lưu cho biết, ĐBBP ở Lệ Thủy được thành lập từ rất sớm (trước những năm 2000) và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy xã, thị trấn. Toàn huyện có 27 ĐBBP, tập trung tại chính các xã có dân cư đông và có HTXDVNN. Phần lớn các chi bộ trong ĐBBP có số lượng đảng viên đông, trong đó 39/111 chi bộ có từ 30 đảng viên trở lên.

Trong những năm qua, ĐBBP không chỉ là "cánh tay' nối dài của cấp ủy, chính quyền cấp xã mà còn làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo các HTXDVNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thực sự là "bà đỡ" cho xã viên. Mặt khác, nhiều cán bộ và đảng viên trong các ĐBBP còn là cán bộ nguồn có chất lượng cho các xã, thị trấn.

Chúng tôi đến thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy khi các đồng chí đảng viên trong ĐBBP Tuy Lộc đang bàn vấn đề dồn điền đổi thửa. Bí thư đảng ủy Trần Hữu Lực cho biết, ĐBBP Tuy Lộc có 214 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo HTXDVNN và các chi hội tổ chức chính trị trong thôn. Đây là một địa phương thuần nông, hoạt động của HTX gắn với đời sống của bà con xã viên nên phải bảo đảm 2 mục tiêu: thực hiện tốt các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất, kinh doanh phải có lãi.

Trên cơ sở định hướng chung của Đảng bộ xã Lộc Thủy, ĐBBP Tuy Lộc có nghị quyết riêng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp như lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp với chân đất, đầu tư hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, dịch vụ phân bón, bảo vệ thực vật... Phó bí thư ĐBBP kiêm chủ nhiệm HTXDVNN Tuy Lộc Nguyễn Văn Hóa phân tích, vai trò lãnh đạo của ĐBBP đối với hoạt động của HTX Tuy Lộc rất rõ.

Nhân dân thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy làm đường giao thông ra đồng ruộng.
Nhân dân thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy làm đường giao thông ra đồng ruộng.

Bởi HTX là đơn vị hoạt động theo điều lệ HTX, bao gồm nhiều tổ, đội sản xuất, nếu đặt dưới sự lãnh đạo đảng bộ xã thì không sâu sát nhưng nếu trực thuộc chi bộ một xóm thì cũng thiếu tính toàn diện, khó đạt hiệu quả.

Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho rằng, hoạt động của ĐBBP đã giúp giảm tải rất nhiều cho đảng ủy xã trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Nếu như không có ĐBBP thì có thể phải thành lập chi bộ HTX nhưng như thế sẽ không hiệu quả bởi hoạt động của HTX gắn liền với thôn, tổ đội khó tách bạch và như vậy, vai trò "bà đỡ" của HTX khó phát huy hiệu quả như hiện nay.

Cần sớm có các quy định về chức năng, nhiệm vụ của ĐBBP

Có thể nói, vai trò và hiệu quả của ĐBBP ở tỉnh ta đã được khẳng định và được sự đồng tình, hưởng ứng của đảng viên và quần chúng nhân dân. ĐBBP vừa là cầu nối triển khai các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đảng viên và quần chúng nhân dân; đồng thời làm nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính ở cơ sở.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, ĐBBP vẫn chỉ là một tổ chức đảng trung gian chứ chưa được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ như đối với một loại hình tổ chức cơ sở đảng khác. Hiện nay mới chỉ có bí thư ĐBBP và bí thư chi bộ trực thuộc ĐBBP được hưởng phụ cấp (từ 0,6 đến 0,8%) còn đảng ủy viên thì không có, nên chưa động viên được đảng viên nhiệt tình thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Mặt khác, kinh phí hoạt động của ĐBBP hầu như không có, dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của các HTX. Hầu hết các đồng chí trong cấp ủy phải tự bỏ tiền ra để phô tô tài liệu và nhiều chi phí khác.

Bên cạnh đó, cái khó nhất của các ĐBBP tại tỉnh ta là thiếu nguồn cán bộ trẻ có năng lực để đảm đương công việc. Trong các địa phương, phần lớn lao động trẻ đều xa quê đi làm ăn nên nguồn để bồi dưỡng kết nạp đảng còn thiếu, chứ chưa nói đến việc tạo nguồn cán bộ cho các ĐBBP. Vì thế, phần lớn các đồng chí chí cấp ủy viên của các ĐBBP tại TP. Đồng Hới đều lớn tuổi, tuổi đảng cao nên cũng rất khó phát huy được vai trò lãnh đạo tổ chức đảng trong thời gian dài. 

Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục tập trung rà soát chi bộ có hơn 30 đảng viên, đặc biệt là số chi bộ có hơn 50 đảng viên để thành lập ĐBBP nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc lãnh đạo của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.

Hương Giang