.

Hào khí Lũ Phong

Thứ Ba, 19/08/2014, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Cụ Nguyễn Văn Ưu, 92 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở Quảng Phong nhớ lại: Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, một số đảng viên, cán bộ phá tù, vượt ngục từ các nhà lao thực dân trở về hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng tại địa phương.

Sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh, vào ngày 17-8-1945,  Phủ uỷ Quảng Trạch triệu tập hội nghị cán bộ tại đình làng Lũ Phong quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa phủ Quảng Trạch. Toàn phủ Quảng Trạch sục sôi trong không khí khởi nghĩa. Làng Lũ Phong trở thành một trong những trung tâm của công tác chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền trong toàn phủ Quảng Trạch.

Theo đúng kế hoạch khởi nghĩa, tối 22-8, lực lượng khởi nghĩa bao gồm đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang tự vệ của Phủ ủy Quảng Trạch và hàng nghìn người dân từ khắp các làng xung quanh như Hậu Lộc, Lộc Điền, Pháp Kệ, Hạ Thôn... kéo về tập trung tại đình Lũ Phong chuẩn bị khởi nghĩa. Rạng sáng ngày 23-8, lực lượng khởi nghĩa của phủ Quảng Trạch từ Lũ Phong, Tiên Lệ và Thổ Ngọa rầm rập tiến về Ba Đồn giành chính quyền.

Đình làng Lũ Phong.
Đình làng Lũ Phong.

Trước khí thế sục sôi của quần chúng nhân dân và thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng ở phủ đường Quảng Trạch, tại Lũ Phong và các làng xã thuộc phủ Quảng Trạch, bộ máy hào lý, hương thôn tự động giải tán và giao quyền quản lý cho cách mạng...

Qua hai cuộc chiến tranh, mảnh đất Quảng Phong có hàng nghìn con em lên đường nhập ngũ đi thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến tại các mặt trận; 140 người con ưu tú đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và hàng trăm thương binh, bệnh binh.

Trên con đường phát triển, Quảng Phong từng bước chuyển đổi cơ cấu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển và đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất, dịch vụ...  Chương trình đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản có bước phát triển mạnh mẽ. Với 124 tàu thuyền đánh bắt thủy sản và 54 ha nuôi trồng thủy sản ngọt, lợ; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản của phường hàng năm đạt gần 1.000  tấn, trong đó có 70% hải sản có giá trị xuất khẩu.

Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có những bước chuyển biến tích cực với 812 hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ  Nhờ đó, đã giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, toàn phường còn 61 hộ nghèo (chiếm 4,78%), 24 hộ cận nghèo (chiếm 1,88%).

Ông Phạm Hùng Sơn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phong cho hay, cùng với phát triển về kinh tế, các công trình phúc lợi cũng được cấp ủy, chính quyền phường chú trọng đầu tư xây dựng. Trong những năm qua, Quảng Phong đầu tư hàng chục tỷ đồng  xây dựng công trình như điện, nước sạch, kè sông, trường tiểu học, trường THCS, bê tông hoá đường giao thông, cổng làng... Những công trình mới được xây dựng làm cho bộ mặt làng quê Quảng Phong thay da đổi thịt.

Hương Trà