.
Hiến pháp với cuộc sống:

Vấn đề dân tộc trong Hiến pháp

Thứ Sáu, 06/06/2014, 11:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Nước ta là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em, dân số hiện có trên 90 triệu người, trong đó dân tộc Kinh trên 77 triệu người, 53 dân tộc thiểu số (DTTS) gần 13 triệu người, chiếm 14,3% dân số cả nước.

Tuy tỷ lệ dân số không cao, nhưng đồng bào DTTS chủ yếu sống ở vùng rừng núi, biên giới... chiếm gần 2/3 diện tích tự nhiên, nơi có nhiều tiềm năng lớn về phát triển kinh tế- xã hội, là “phên dậu” của quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh – quốc phòng. Vì vậy, ở nước ta,  trong các thời kỳ cách mạng, vấn đề dân tộc luôn là yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, trong  xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong Chương II, ngoài “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” được hiến định tại Điều 6:  “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị - kinh tế - văn hóa”,  Điều 7: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”. Hiến pháp năm 1946 còn hiến định riêng đối với DTTS, tại Điều 8: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Để tạo điều kiện nâng cao dân trí vùng DTTS, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình,  Hiến pháp năm 1946 còn hiến định thêm tại Điều 15: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình” .

Như vậy, ngay từ Hiến pháp 1946, vấn đề dân tộc đã được hiến định về quyền bình đẳng, sự quan tâm của xã hội về giáo dục, về  quyền học bằng tiếng của mình... Trong bản Hiến pháp năm 1959, vấn đề dân tộc được đưa vào Chương I. Tại Điều 3: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình.

Những địa phương có dân tộc thiểu số sống tập trung thì có thể thành lập khu vực tự trị. Khu vực tự trị là bộ phận không thể tách rời được của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ phát triển kinh tế và văn hóa chung”.

So với Hiến pháp năm 1946, vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 1959 chỉ quy định trong một điều (Điều 3) nhưng được hiến định rõ hơn, với nhiều nội dung hơn... Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên đã khẳng định “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc”, đồng thời hiến định rõ hơn về sự bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ công dân, về sự đoàn kết giữa các dân tộc, nghiêm cấm khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc; quyền được duy trì phong tục tập quán, tiếng nói chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 1959 có hiến định “Những địa phương có dân tộc thiểu số sống tập trung thì có thể thành lập khu vực tự trị...”  (Đây là nội dung duy nhất chỉ có ở  Hiến pháp năm 1959 mà Hiến pháp năm 1946 và các Hiến pháp sau này không có). Vì vậy, từ cuối thập niên 50 đến những năm giữa thập niên 70 thế kỷ XX, vùng miền núi phía Bắc nước ta có 2 khu tự trị, đó là Khu tự trị Thái – Mèo (1955 - 1962) sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc (1962 - 1975) và Khu tự trị Việt Bắc (1956 - 1975).

Hiến pháp năm 1980, vấn đề dân tộc  được quy định tại Chương I và cũng quy định trong một điều (Điều 5): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ”. Các nội dung khác cũng tương tự như Hiến pháp năm 1959 về Nhà nước bảo vệ, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có  quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Về phát triển kinh tế, văn hóa, Hiến pháp năm 1980 được khẳng định rõ hơn , đó là : “Nhà nước có kế hoạch xóa bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa”.
Hiến pháp năm 1992, vấn đề dân tộc trong cũng được hiến định tại Điều 5, Chương I: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”, các nội dung khác cơ bản như trong Điều 3, Hiến pháp năm 1959, Điều 5 Hiến pháp năm 1980.

Về phát triển kinh tế - xã hội...  các bản Hiến  pháp trước đó chỉ nêu các DTTS “được giúp đỡ” (Hiến  pháp năm 1946), hay “ra sức giúp đỡ” (Hiến pháp năm 1959);  hoặc “có kế hoạch xóa bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc” (Hiến pháp năm 1980), thì nội dung này, Hiến pháp năm 1992 hiến định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Như vậy, nội dung này có thể nói là thay đổi về chất của vấn đề, từ chỗ trước đây Nhà nước “giúp đỡ” chủ yếu tập trung về kinh tế - xã hội, thì tại  Hiến pháp năm 1992 là  “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt...” thể hiện tính toàn diện và được Nhà nước quan tâm hơn. Và lần đầu tiên hiến định trong Hiến pháp 1992: “... từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hiến pháp năm 2013, đã hiến định sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề dân tộc, trên cơ sở kế thừa và phát triển Hiến pháp 1992. Về vấn đề dân tộc, Hiến pháp 2013 hiến định tại Điều 5:

"1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước".

Những nội dung trên đã có sửa đổi so Điều 5, Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc...” nhưng tại khoản 2, Hiến pháp năm 2013 , hiến định rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển...”. Tại khoản 4 nêu: “... tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước". Đây là điểm mới mà các bản Hiến pháp trước đó không hiến định, thể hiên sự tiến bộ, vươn lên của DTTS.

Ngoài ra, vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 còn được nêu thêm, làm rõ hơn ở Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, tại Điều 42: "Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp"; hay Chương III: “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” tại Điều 61: "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...".

Từ những nội dung nêu trên có thể thấy rằng, vấn dân tộc trong các bản Hiến pháp luôn được quan tâm, chú trọng . Tùy theo từng thời kỳ Cách mạng của đất nước, vấn đề dân tộc  được sửa đổi theo hướng toàn diện hơn, sâu sắc hơn, nhất là trong bản Hiến pháp 2013 được hiến định tại nhiều điều, nhiều chương , với nhiều nội dung hơn.

Khi Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống, cả nước nói chung, đồng bào DTTS nói riêng được tiếp thêm sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc Viêt Nam.

Hoàng Đức Thắng
   (Ban Dân Tộc)