.

Những điểm mới cần quan tâm trong tổ chức thi hành Hiến pháp

Thứ Ba, 15/04/2014, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Quốc hội được nhân dân giao cho thực hiện một số quyền lập hiến như thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Hiến pháp với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại.

>> Những điểm mới cần quan tâm trong tổ chức thi hành Hiến pháp

Năm là, quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Quy định làm rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế. Đồng thời cũng chỉ rõ chủ thể của các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.

Sáu là, Hiến pháp đã khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” (tại Điều 64), đây là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân. Nhà nước có trách nhiệm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh để không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc. Bổ sung quy định lực lượng vũ trang góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; có nhiệm vụ tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng.

Bảy là, Hiến pháp (sửa đổi) khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đồng thời bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dựa trên nền tảng đó, bộ máy nhà nước trong Hiến pháp (sửa đổi) đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, phân định rạch ròi hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Chính phủ được Hiến pháp chỉ rõ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời theo định hướng cải cách tư pháp để đảm bảo tính độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp, tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử, Hiến pháp đã bổ sung một số nguyên tắc nền tảng mang tính hiến định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Tám là, Hiến pháp đã quy định một cách khái quát về nguyên tắc, mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở hiến định để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa. Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chín là, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta với tư cách là các thiết chế hiến định và được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Đây là xu hướng lập hiến, pháp quyền hiện đại. Việc ra đời hai thiết chế này trong Hiến pháp nước ta là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước.

Mười là, Hiến pháp đã có các quy định cụ thể về hiệu lực và quy trình thủ tục làm và sửa đổi Hiến pháp; thể hiện tính chất dân chủ và pháp quyền của Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển. Quốc hội được nhân dân giao cho thực hiện một số quyền lập hiến như thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Hiến pháp với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại. Theo đó, các quy định của Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh và cách thức thể hiện vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa khái quát lại vừa đủ chi tiết, vừa nguyên tắc lại vừa đủ độ mềm dẻo để bảo đảm xứng tầm là Hiến pháp, đủ sức chỉ đạo và giữ vị trí cao nhất làm cơ sở, làm nền tảng cho sự ra đời của toàn bộ quy định pháp luật khác của Nhà nước.

Nguyễn Ngọc Phương
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh