.

Quyền của phụ nữ trong các bản Hiến pháp

Thứ Sáu, 21/03/2014, 07:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm cụ thể các quy định của Hiến pháp, đồng thời nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Quốc hội đến Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của phụ nữ.

Trong điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, nên ở mỗi thời kỳ, các quy định về quyền con người, quyền công dân và quyền của phụ nữ trong các bản Hiến pháp ngày càng phát triển vừa có tính kế thừa vừa có tính đổi mới, đồng thời và phù hợp với xu hướng quốc tế và khu vực.

Điều 9 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Đó là quy định lần đầu tiên có ý nghĩa rất lớn đối với phụ nữ trong bối cảnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được thành lập. Điều này đã góp phần quan trọng, làm nền tảng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Quy định đó thực sự đã phá tan xiềng xích tư tưởng “trọng nam kinh nữ” của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó.

Hiến pháp 1959, Điều 24 quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình’’.

Như vậy so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới. Quyền bình đẳng nam nữ được thể hiện trên 5 lĩnh vực từ xã hội đến gia đình bao hàm tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó là sự ghi nhận và trân trọng, được đảm bảo của toàn xã hội đối với phụ nữ.

Hiến pháp năm 1980, quyền của phụ nữ vừa được lồng vào các quyền cơ bản của công dân, vừa được quy định riêng nhằm tạo ra những điểm nhấn quan trọng, khẳng định quyền của phụ nữ. Điều 52 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, là một quy định chung nhất cho tất cả các giới tính, thể hiện sự không phân biệt trước xã hội. Lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam xác định “Công dân không phân biệt dân tộc, nam - nữ, thành phần xã hội... đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp” (Điều 54).

Và tại Điều 64 Hiến pháp 1980 đã quy định: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước, và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội. Chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ”. “Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng... Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”(Điều 65).

Có thể khẳng định, Hiến pháp năm 1980 là bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản Hiến pháp trước, ở đó quyền của công dân Việt Nam nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầm cao hơn, cụ thể hơn so với Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959.

Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), các điều 53, 54, 63, 65 được giữ nguyên là một sự khẳng định lại những giá trị về quyền của phụ nữ đã được xác định và phát huy hơn 2 thập kỷ. Các quy định của Hiến pháp 1992, càng ngày càng được cụ thể hóa vào các đạo luật và các văn bản pháp luật khác trong đó nổi bật nhất là Luật bảo hiểm xã hội (2006), Luật cư trú (2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (2007), Luật quốc tịch (2008), Bộ Luật lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình...

Phụ nữ trong những ngày đại lễ. Ảnh: P.V
Phụ nữ trong những ngày đại lễ. Ảnh: P.V

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1992. Tại Chương II Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng, trong đó quyền của phụ nữ được quy định từ điều 14 đến 49, và quyền của phụ nữ được hiến định như sau:

Với tư cách công dân, phụ nữ có các quyền sau:

* Quyền chính trị:

- Bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16).
- Tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28).
- Bầu cử khi đủ mười tám tuổi trở lên, ứng cử khi đủ hai mươi mốt tuổi trở lên vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 27).
- Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (đối với công dân đủ 18 tuổi trở lên) (Điều 29).
- Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25).
- Tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Khoản 1 Điều 24).
- Khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 30).

* Quyền dân sự:

- Quyền sống, tính mạng được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật (Điều 19).
- Bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1 Điều 20).
- Hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật (Khoản 3 Điều 20).
- Có nơi ở hợp pháp (Khoản 1 Điều 22).
- Không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 2 Điều 17).
- Tự do đi lại và cư trú ở trong nước; ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 23).
- Sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp và trong các tổ chức kinh tế khác (Khoản 1 Điều 32).
-Sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (Khoản 2 Điều 32).
- Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật (Khoản 2 Điều 54).
- Bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Khoản 1 Điều 21).
- Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác (Khoản 2 Điều 21).
- Kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau (Khoản 1 Điều 36).
- Xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42).

* Quyền về kinh tế, lao động và việc làm:

- Tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33).
- Được tạo điều kiện để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tài sản hợp pháp của cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (khoản 3 Điều 51).
- Làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Khoản 1 Điều 35).

* Quyền về văn hóa, giáo dục, xã hội:

- Được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 34); được thụ hưởng phúc lợi xã hội (Khoản 2 Điều 59).
- Được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Khoản 1 Điều 38).
- Học tập (Điều 39). Nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ (Khoản 3 Điều 62).
- Hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41).
- Được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).

* Quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp:

- Không bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định (Khoản 2 Điều 20).
- Không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 1 Điều 31).
- Không bị kết án hai lần vì một tội phạm (Khoản 3 Điều 31).
- Được tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Khoản 4 Điều 31).
- Được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự nếu bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật (Khoản 5 Điều 31).

Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có quyền:

- Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26).
- Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36).
- Được nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).

Xét trong mối tương quan với nam giới, các quyền của phụ nữ Việt Nam được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta đã thể hiện rõ quan điểm “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong đời sống gia đình. Nhưng bên cạnh đó có những quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Như vậy, quyền của phụ nữ Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển và hoàn thiện từ không thành có, từ sơ khai đến đầy đủ hơn, đã được thể hiện đậm nét trong các bản Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Quyền của phụ nữ đã được các bản Hiến pháp Việt Nam hiến định ngày càng đầy đủ hơn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia, và cũng phù hợp xu hướng hiến định của các nước trong khu vực và quốc tế. Điều này đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị, của bộ máy nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuyết Hà
(Sở Tư pháp)