.

Hiến pháp 2013 công cụ thực hiện quyền lực nhân dân

Thứ Sáu, 14/03/2014, 06:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Quyền lực hiểu theo nghĩa chung nhất, đó là năng lực của chủ thể này buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình. Quyền lực nhà nước chính là khả năng của nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức trong xã hội phải phục tùng nhà nước. Quyền lực nhà nước là bộ phận cơ bản, chủ yếu, cốt lõi, là biểu hiện tập trung của quyền lực chính trị.

Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự thân mà là quyền lực được hình thành từ sự ủy quyền của các chủ thể khác. Nhà nước nhận quyền từ nhân dân và thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của nhân dân. Trong thời kỳ phong kiến, với hình thức chính thể quân chủ chuyên chế, quan niệm phổ biến về quyền lực nhà nước là quyền lực của vua.

Trong hình thức chính thể cộng hòa thì quyền lực nhà nước được coi là xuất phát từ nhân dân, thuộc về nhân dân, phát sinh do nhân dân ủy quyền mà có. Nhân dân ủy quyền, trao một phần quyền lực của mình cho nhà nước để nhà nước thực hiện những công việc quản lý chung (thực hiện quyền lực công) vì mục tiêu và lợi ích chung của cả cộng đồng. Khi quyền lực nhân dân được ủy quyền chuyển thành quyền lực nhà nước thì quyền lực đó không phụ thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân riêng rẻ mà phụ thuộc vào ý chí chung của cả cộng đồng, khi đó mọi cá nhân phải chịu sự chi phối và phải phục tùng quyền lực nhà nước thông qua bộ máy nhà nước do nhân dân thiết lập trực tiếp (thông qua bầu cử) hoặc gián tiếp (thông qua cơ quan đại diện - Quốc hội, HĐND lập ra).

Như vậy, ở hình thức chính thể cộng hòa (trong đó có nước ta) thì nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước là những chủ thể nhận quyền lực từ nhân dân để thực thi quyền lực nhà nước. Do đó, việc phục tùng quyền lực nhà nước tức là phục tùng quyền lực nhân dân.

Nhân dân thực hiện việc ủy quyền, giao quyền lực của mình cho nhà nước thông qua các quy định của pháp luật, trong đó văn bản quan trọng nhất, thể hiện trực tiếp và tập trung nhất ý chí, nội dung ủy quyền của nhân dân đó là hiến pháp. Các học thuyết pháp lý cho rằng, hiến pháp là bản khế ước xã hội thể hiện sự giao kết giữa nhân dân với nhà nước về phạm vi sự ủy quyền của nhân dân cho nhà nước.

Hiến pháp thể hiện ý chí của nhân dân trong việc lựa chọn chế độ chính trị; xác định nghĩa vụ của nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; mô hình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc.

Một trong những nội dung quan trọng của hiến pháp đó là, xác định mô hình tổ chức bộ máy nhà nước (thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp), quy định phương thức thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và mối quan hệ của hệ thống bộ máy nhà nước, giữa cấp trung ương và chính quyền địa phương. Nếu như trong Chương II Hiến pháp 2013 xác định những vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực trực tiếp mà nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện (như quyền ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quyền kiến nghị, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý,...) thì trong các chương quy định về tổ chức bộ máy nhà nước đã thể hiện sự ủy quyền của nhân dân cho các cơ quan nhà nước được phép làm những gì và cơ chế chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Những quy định này là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản của một nhà nước pháp quyền đó là, nhân dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, còn đối với nhà nước (các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước) chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép (pháp luật quy định), tức là trong phạm vi nhân dân ủy quyền.

Trong thời đại ngày nay hầu hết hiến pháp của các nước đều tuyên bố: Tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân và thuộc về nhân dân. Tại Điều 2 và Điều 6 Hiến pháp 2013 của nước ta đã quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy, một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 đó là, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tất cả các cơ quan nhà nước mà không chỉ thông qua cơ quan đại diện như Hiến pháp 1992

Hiến pháp là văn bản thể hiện sự ủy quyền của nhân dân cho nhà nước thực hiện quyền lực nhân dân, vậy nhân dân thực hiện việc ủy quyền như thế nào? Hiện nay trên thế giới tồn tại ba phương thức ủy quyền thể hiện ở ba hình thức thông qua hiến pháp. Hình thức thứ nhất đó là, sau khi một ủy ban soạn thảo hiến pháp hoàn chỉnh, nhà nước tổ chức để nhân dân trực tiếp thông qua hiến pháp. Hình thức thứ hai đó là, sau khi Quốc hội (nghị viện) thông qua hiến pháp nhà nước tổ chức để nhân dân phúc quyết hiến pháp. Hình thức thứ ba đó là, Quốc hội (nghị viện) cơ quan đại diện nhân dân thực hiện việc thông qua hiến pháp. Ở nước ta, xuất phát từ đặc điểm, điều kiện đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội nên đã lựa chọn hình thức thứ ba, đó là Quốc hội thông qua hiến pháp.

Tuy nhiên, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Nhà nước đã tổ chức hai đợt lấy ý kiến nhân dân, cấp phát tài liệu về tận hộ gia đình để nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp. Việc nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp không chỉ là góp ý đơn thuần mà còn thể hiện ý chí lựa chọn, quyết định của nhân đối với  nội dung các quy định của Hiến pháp. Do đó có thể nói rằng, Hiến pháp 2013 vừa là kết tinh trí tuệ vừa thể hiện ý chí và là công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân.

Phạm Thái