.

Hiến pháp là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

Thứ Năm, 13/02/2014, 08:21 [GMT+7]

LTS: Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình về việc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bắt đầu từ số báo này, Báo Quảng Bình mở chuyên mục "Đưa hiến pháp vào cuộc sống". Rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt tình của bạn đọc gần xa.

Ngày 28-11-2013, Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII . Bản Hiến pháp đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Để có được bản Hiến pháp này, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân đã được các cấp, các ngành triển khai được sự tham gia sâu rộng, nghiêm túc, tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bảo Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi được Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học; đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra là đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự đảm bảo chính trị-pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và nhà nước ta vượt qua những thách thức khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới-thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hoá các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)