.

"Đổi mới công tác tuyên giáo để bảo đảm an ninh tư tưởng"

Thứ Ba, 14/01/2014, 07:50 [GMT+7]

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã yêu cầu ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới công tác để góp phần đảm bảo an ninh tư tưởng của đất nước.

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 13-1, phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ở Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã chúc mừng và biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Tuyên giáo đạt được trong năm 2013.

Phân tích bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã gợi mở một số nội dung về nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo trước yêu cầu mới.

Theo đó, ngành Tuyên giáo cả nước cần tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác tuyên giáo, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh tư tưởng của đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị-xã hội, tạo niềm tin của toàn dân, toàn quân đối với Đảng, Nhà nước, thi đua yêu nước, thực hiện các mục tiêu do Đại hội XI của Đảng đề ra.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên giáo luôn là yêu cầu cao và rất khó khăn đối với toàn ngành, đòi hỏi đội ngũ làm công tác tuyên giáo cả nước phải kiên định lập trường tư tưởng cách mạng, không dao động, không phân tâm trước những khó khăn, thách thức hiện nay, nỗ lực hơn, phấn đấu rèn luyện và trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mỗi chương trình, kế hoạch, mỗi hoạt động của công tác tuyên giáo phải được xây dựng và thực hiện có cơ sở khoa học, gắn lý luận với thực tiễn, lấy chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để soi rọi và vận dụng cho phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương, làm cho công tác tuyên giáo sống động hơn, thấm sâu hơn vào đời sống nhân dân, khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, yêu chế độ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đổi mới.

Năm 2014 , ngành Tuyên giáo cần tập trung tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là các văn kiện Hội nghị Trung ương 8 và các Hội nghị Trung ương trong năm 2014.

Ngành kết hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, giáo dục về Hiến pháp, góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng ý nghĩa lịch sử và những giá trị mới của Hiến pháp, sống và làm việc theo pháp luật.

Ngành tích cực tham gia vào tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng; tăng cường hơn nữa công tác dự báo tình hình tư tưởng, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ có hiệu quả.

Nắm vững chủ trương của Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao nhân dân, ngành Tuyên giáo cả nước cần nhận thức sâu sắc: Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc là một lĩnh vực khó, lại phải thực hiện trong điều kiện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu phương tiện, kinh nghiệm còn chưa nhiều.

Ngành Tuyên giáo phải tư duy về phương thức mới sao cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục góp phần tích cực vào xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngành thống nhất nội dung và biện pháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ, giáo dục tinh thần bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đề cập về công tác báo chí, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh lưu ý, trước yêu cầu mới và trước nhiều thách thức, nhất là thách thức phải đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch hòng lợi dụng báo chí, mạng xã hội để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo chí cần thể hiện rõ tính chiến đấu, trở thành chủ lực trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ngành tiếp tục đổi mới tư duy về công tác quản lý báo chí trong điều kiện hiện nay; nâng cao tính chủ động trong nắm bắt, phân tích, xử lý tình huống, vấn đề, sự kiện, chủ động trong thông tin, chiếm lĩnh thông tin để định hướng dư luận xã hội.

Chất lượng lãnh đạo, quản lý cần được nâng cao để báo chí trực tiếp là kênh thông tin cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, là cầu nối giữa Đảng với dân.

Cơ quan chủ quản cần phát huy vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước; khắc phục sự lỏng lẻo, chồng chéo trong quản lý hoạt động báo chí; không để xảy ra tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể hệ thống báo chí.

Ngành quan tâm, chăm lo hơn nữa để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ báo chí có năng lực, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại hội nghị, năm 2013, bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành Tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ công tác, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, khoa học, công nghệ, môi trường, y tế, giáo dục, thông tin đối ngoại.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động tham mưu xây dựng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phương án phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch, vạch trần thủ đoạn và âm mưu “ diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Công tác định hướng tuyên truyền có nhiều chuyển biến mới, tích cực. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động xây dựng các đề án tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại quan trọng, các sự kiện quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình chính trị trong nước, các vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Công tác tuyên giáo đã có nhiều đóng góp vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI ) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngành Tuyên giáo đã tập trung tham mưu các cấp ủy đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện các nhân tố điển hình, tổ chức kiểm tra, nêu gương, nhân rộng các mô hình mới tại ngành, địa phương, cơ sở. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp, ý thức tu dưỡng thường xuyên, tự giác của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, ngành Tuyên giáo đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn được đẩy mạnh, phục vụ công tác giáo dục tư tưởng, nghiên cứu khoa học...

Tại hội nghị, từ thực tiễn của đơn vị, địa phương, các đại biểu thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân trong công tác tuyên giáo; đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo trong năm 2014.

Theo chương trình Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu kết luận hội nghị.

Theo Hương Thủy (TTXVN)