.

Lệ Thuỷ làm theo lời căn dặn của Đại tướng

Thứ Ba, 31/12/2013, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày cuối năm Quý Tỵ 2013, đồng chí Nguyễn Đình Hiệu, Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ đã dành thời gian khá dài ngồi tâm sự cùng chúng tôi. Qua câu chuyện của người đứng đầu huyện lúa lớn nhất tỉnh ta, đã toát lên nhiều việc, nhưng xuyên suốt là sự trăn trở của lãnh đạo huyện về những việc đã làm và chưa làm được theo như lời căn dặn của Đại tướng với quê hương Lệ Thuỷ.

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ mở đầu câu chuyện rằng: mới đó mà đã 90 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với tổ tiên ông bà. Tết này, người dân huyện nhà không còn được ngóng đợi tin Đại tướng nữa! Hôm nay ôn lại có nhiều việc Đại tướng căn dặn, huyện đã làm được, đạt thành tích xuất sắc. Nhưng có một số việc mà Đại tướng chỉ bảo đến nay vẫn chưa làm được trọn vẹn.

Nhiều lần về thăm quê, Đại tướng thường nhắc nhở: huyện Lệ Thuỷ giàu tiềm năng, nhưng vẫn là một huyện nghèo, lãnh đạo huyện cần có trách nhiệm làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, mọi người dân đều có quyết tâm làm cho huyện giàu lên, phấn đấu xây dựng huyện nhà thành một huyện gương mẫu so với cả nước.
Mặc dầu hết sức cố gắng, nhưng  nhìn tổng thể huyện chưa bứt phá đi lên một cách mạnh mẽ được, chưa trở thành một huyện gương mẫu như mong ước của Đại tướng.

Một lần nói chuyện với cán bộ huyện, Đại tướng gợi ý: về kinh tế, muốn giàu lên thì phải phát triển kinh tế hàng hoá, nông nghiệp phải toàn diện; độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Làm theo lời căn dặn đó của Đại tướng trong những năm thực hiện đường lối đổi mới quê hương đất nước, Lệ Thuỷ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên về mọi mặt. Kinh tế của huyện tăng trưởng ở mức cao trên 10%/năm, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,5%, giá trị dịch vụ tăng gần 3%. Nhiều vùng đã phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết phục vụ nông nghiệp, xây dựng các mô hình vườn đồi, vườn rừng, trang trại, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, lao động giỏi...

Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân làm ăn có hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, Đại Phong (xã Phong Thủy), Lộc Hạ (xã An Thủy), Bình Minh (Dương Thủy)...

Đường vào làng An Xá, quê hương Đại tướng.
Đường vào làng An Xá, quê hương Đại tướng.

Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích 45.470 ha, trong những năm qua, huyện rất chú trọng đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng gò đồi, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân. Đến nay vùng gò đồi huyện có 64 trang trại tổng hợp, trang trại lâm nghiệp. Diện tích rừng trồng được 12.000 ha với hơn 2 triệu cây phân tán, trong đó có 4.200 ha cây cao su và hơn 3.000 ha thông nhựa. Kinh tế vùng gò đồi đang dần trở thành chủ lực của huyện.

Cũng như Bác Hồ, Đại tướng luôn trăn trở về những khó khăn vất vả của người dân vùng cát trong huyện. Đại tướng đề nghị lãnh đạo huyện có giải pháp để giúp bà con vươn lên. Thực hiện lời căn dặn đó, những năm qua Lệ Thuỷ đã quan tâm với nhiều biện pháp thiết thực đã đưa vùng cát nghèo năm xưa vươn lên mạnh mẽ. Nổi bật nhất là,  mở được 3 tuyến đường ngang nối QL1 với 3 xã biển,  quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế vùng cát như trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, trồng rừng, chế biến hải sản. 

Đi đầu trong phong trào khai canh vùng cát, phải nhắc đến Đảng bộ xã Cam Thuỷ. Qua 5 năm thực hiện tiến quân ra vùng cát, Cam Thủy đã đưa được 70 hộ đến định cư, phát triển được gần 45 ha nuôi cá nước ngọt, với thu nhập bình quân mỗi năm 2 vụ đạt 80-100 triệu đồng/ha. Có một số trang trại làm ăn khá, như trang trại gia đình anh Ngô Văn Hiến, ở thôn Đặng Lộc 3, với mô hình chăn nuôi gà vịt, ao thả cá theo dạng trang trại tổng hợp, mỗi năm thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng. Nếu so với các vùng khác thì trang trại này có quy mô nhỏ, nhưng đối với vùng cát nghèo Cam Thủy thì đây là một mô hình tốt được nhiều người dân học tập, áp dụng. Đại tướng đã biểu dương và cho rằng đó là việc làm sáng tạo, cần phát huy.

Điều mà Đại tướng thường xuyên quan tâm, nhắc nhở là việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Thấm nhuần lời căn dặn của Đại tướng, mặc dầu còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng huyện đã ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục- đào tạo và khoa học công nghệ một cách thích đáng. Đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 19/28 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, có 12 trường học bậc mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1(chiếm khoảng 40%); 22 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 và 6 trường đạt chuẩn mức độ 2 (chiếm 87,5%); 15 trường THCS đạt chuẩn (chiếm 62,4%). Những năm qua Lệ Thuỷ có nhiều em đạt giải cao của các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, trong nước; là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh ta về phong trào và chất lượng giáo dục-đào tạo.

Một lần về thăm quê, Đại tướng thấy bà con lấy nước sông Kiến Giang để làm nước sinh hoạt, Đại tướng không vui đã căn dặn cán bộ địa phương cần có biện pháp giúp dân xử lý nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thực hiện lời Đại tướng, mặc dầu còn khó khăn về kinh tế, nhưng Lộc Thủy đã nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, đến nay trên địa bàn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 95%, tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình vệ sinh đạt 81%; 100% hộ tham gia thu gom rác thải, đường làng ngõ xóm được vệ sinh phong quang sạch sẽ.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nghề chiếu cói Đại tướng rất quan tâm và đã  căn dặn cán bộ xã tìm biện pháp phát triển nghề này. Vâng lời Đại tướng, Đảng uỷ xã Lộc Thuỷ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, từng bước đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp - TTCN, ngành nghề, dịch vụ nông thôn, đến nay đã có 160 cơ sở công nghiệp-TTCN, dịch vụ. Mấy năm qua Đảng uỷ tích cực vận động phát triển làng nghề chiếu cói truyền thống. Làng nghề chiếu An Xá từng bước được củng cố tổ chức bộ máy, đầu tư 2 máy dệt chiếu kỹ thuật hiện đại, thu hút khoảng 60% số hộ trong thôn tham gia sản xuất chiếu cói. Làng nghề rượu truyền thống Tuy Lộc kết hợp với chăn nuôi được duy trì tạo việc làm cho gần 100 lao động.

Qua câu chuyện với đồng chí Bí thư Huyện uỷ được biết, sau khi Đại tướng qua đời, các địa phương trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực làm theo tấm gương của Đại tướng. Điều đáng trân trọng là việc làm theo đó đã có sức lan tỏa thành phong trào thi đua rộng lớn, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân trong huyện làm theo. Vừa qua huyện đã khởi công xây dựng nhà truyền thống huyện, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Khi công trình này hoàn thành, sẽ có một phòng trang trọng để lưu giữ các hình ảnh, kỷ vật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Lệ Thủy.

Trọng Thái