.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Quảng Bình

Thứ Ba, 31/12/2013, 13:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh thời, đối với Quảng Bình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với tất cả tấm lòng và tình cảm tốt đẹp.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với cương vị là Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên và sau đó là Bí thư Khu ủy Khu IV, Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV ông đã sâu sát chỉ đạo cuộc chiến đấu của quân dân Bình Trị Thiên khói lửa. Đặc biệt, những tư tưởng về phát triển chiến tranh du kích của ông đã có tác động mạnh mẽ đến phong trào kháng chiến của quân dân Quảng Bình trong những năm  gian khó. Hòa bình lập lại, ngày 16 tháng 6 năm 1957, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông được cùng đi với Bác Hồ vào thăm Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Hình ảnh vị tướng với nụ cười hiền lành đứng bên Bác trên khán đài năm ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng hàng vạn người dân Quảng Bình. Sau buổi nói chuyện với đồng bào, bộ đội trong tỉnh, Bác Hồ có kế hoạch nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325. Do bận công việc Bác phải quay lại Hà Nội sớm, Bác giao cho ông nói chuyện với cán bộ chiến sĩ sư đoàn. Với chất giọng ấm áp, ông truyền đạt những ý kiến của Trung ương, của Bác về tình hình, nhiệm vụ của cách mạng hai miền trong thời gian tới và giao trách nhiệm cho sư đoàn bất cứ tình huống nào phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là sư đoàn chủ lực đứng chân trên tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Trung tuần tháng 11-1958, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 ra Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 3 năm (1958 – 1960). Tháng 1 năm 1959, Nguyễn Chí Thanh thay mặt Bộ Chính trị vào Quảng Bình dự Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh để kiểm điểm tình hình năm 1958 và quyết định phương hướng nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa 3 năm (1958-1960). Tại hội nghị, ông đã truyền đạt những quan điểm, tư tưởng quan trọng của Trung ương  về đẩy mạnh sản xuất, lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời chú trọng sản xuất công nghiệp. Tư tưởng về cải tạo nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp. Trên cơ sở sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương trong việc phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, Bộ Chính trị quyết định cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sang đảm đương Trưởng ban Nông nghiệp của Trung ương Đảng.  Là một người xuất thân từ nông dân nghèo khổ, ông thấu hiểu hơn ai hết vị trí quan trọng của mặt trận nông nghiệp. Nói về cái nghèo, cái khó của nông thôn Việt Nam dưới thời phong kiến đế quốc ông thường nhắc đến hình ảnh: “Áo rách trăm tấm áo ơi/ Áo rách chi mà bất nhơn ác nghiệp, không nơi rận nằm”.

Quyết tâm phát triển sản xuất nông nghiệp thay đổi bộ mặt nông thôn, ông đi đến nhiều nơi, lăn lộn phát động phong trào. Được biết ở Quảng Bình phong trào hợp tác hóa đang lên mạnh, tháng 5 năm 1960 ông về hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy) để kiểm tra, nghiên cứu tình hình, rút bài học kinh nghiệm cho phong trào cả nước. Khi về  Đại Phong, người ta thấy vị Đại tướng chân đi dép lốp, đầu đội nón lá, mặc bộ áo quần nâu không khác gì một lão nông của quê nhà. Ông đi đến từng gia đình hỏi thăm sức khỏe, đời sống, chuyện làm ăn, học hành của con cháu. Ông thức khuya dậy sớm, ngày trời mưa ông mặc áo tơi chằm đến từng chân ruộng thăm đồng, đến từng khu trại chăn nuôi tìm hiểu cung cách làm ăn. Người ta còn thấy ông chèo đò cùng bà con xã viên lên miền tây Bến Tiến kiểm tra việc khai hoang trồng màu của Đại Phong.

Đêm đến, ông tranh thủ dự họp với cán bộ hợp tác xã, có khi là với từng đội sản xuất, dành thời gian nói chuyện, biểu dương những cố gắng của hợp tác xã và nói với bà con về cách làm ăn, nhấn mạnh đến việc làm thủy lợi, khoanh ô, khoanh vùng, cải tạo giống lúa, phát triển ngành nghề nhất là chăn nuôi trở thành nghề chính để cung cấp thịt cho nhân dân và lấy phân bón cải tạo đồng ruộng. Đến với Lệ Thủy, ông mê điệu hò khoan của vùng gạo trắng nước trong. Người ta kể lại rằng, một đêm lúc gà gáy sáng, nghe tiếng hò khoan nhặt từ xa vọng lại ông vội trở dậy đi ra đồng. Đến nơi thấy mấy cô xã viên vừa cấy lúa vừa hò khoan vui vẻ ông lội xuống ruộng cùng cấy cùng hò theo. Mỗi lần lên vùng khai hoang miền tây Bến Tiến người ta thấy ông vừa chèo lái vừa hò vui vẻ như trai làng thực thụ.

Sau một thời gian thực tế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức hội nghị tại chỗ tổng kết kinh nghiệm của hợp tác xã Đại Phong và phát động phong trào học tập Đại Phong trên toàn miền Bắc. Một vinh dự lớn đối với Đại Phong nói riêng, Lệ Thủy và Quảng Bình nói chung là được Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh T. L đã viết bài biểu dương có tiêu đề “Một hợp tác xã gương mẫu” đăng ngày 11-1-1961 trên báo Nhân Dân.

Sau khi biểu dương những thành tích của Đại Phong, Bác chỉ rõ: “Có được kết quả đó là vì họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”. Sau đó trên báo Nhân Dân, trong ba số liền (26,27,28 - 1-1961) đăng bài “Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong bài báo ông đã tổng kết phong trào Đại Phong và nêu lên ba bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về quản lý hợp tác xã trên ba mặt: sản xuất, lao động, tài vụ; bài học về vận dụng đường lối, chính sách;  bài học về lãnh đạo chi bộ, công tác chính trị và tư tưởng. Cùng với bài báo trên, trong các hội nghị ở Trung ương và các địa phương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nêu gương Đại Phong, lấy đó làm tiêu chuẩn phấn đấu.

Năm 1965, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào miền Nam với cương vị là Bí thư Trung ương Cục, kiêm Chính ủy Quân giải phóng. Năm 1967, trên đường ra miền Bắc báo cáo tình hình chiến trường cho Bác Hồ và Bộ Chính trị, ông lại ghé thăm Quảng Bình.

Trong hồi ký Những năm tháng chưa xa, đồng chí Trần Sự, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh lúc đó kể lại: Lần này gặp lại ông tôi thấy ông gầy hơn trước, trên khuôn mặt phúc hậu lộ rõ nỗi gian lao vất vả của những ngày ở chiến trường. Chúng tôi được nghe Đại tướng nói nhiều về tình hình cách mạng miền Nam, đặc biệt khi đội quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Nam, quân dân miền Nam đã anh dũng chiến đấu với khẩu hiệu "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh" làm cho chúng bị động đối phó. Sau khi nghe anh Thoan (Bí thư Tỉnh ủy) báo cáo tình hình chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Quảng Bình, Đại tướng nói:

- Coi chừng, sắp tới Mỹ còn làm ác liệt nữa.- Ông trầm ngâm một lát và nói tiếp:

- Ở chiến trường mình vẫn theo dõi tình hình Quảng Bình, đánh giỏi lắm. Mỗi lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát " Quảng Bình quê ta ơi" của Hoàng Vân lòng mình lại cảm thấy rạo rực, điện cho anh em khác mở đài cùng nghe...

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cùng với quân dân cả nước, quân dân Quảng Bình biết ơn vị tướng lĩnh suốt một đời hy sinh, phấn đấu vì dân, vì nước.

Phan Viết Dũng