.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc tại tỉnh ta

Thứ Hai, 28/10/2013, 07:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hai ngày 26 và 27-10, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh ta.  Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có đồng chí Lương Ngọc Bính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thủ trưởng các ngành có liên quan...

Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo vắn tắt tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 10, bão số 11 với đoàn công tác Trung ương. Cụ thể, về công tác phòng chống bão: Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về triển khai công tác phòng chống bão số 10 và cơn bão số 11; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 công văn chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công điện gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ lụt.   

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10, bão số 11 ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung các địa bàn xung yếu, vùng trũng thấp; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, các địa phương hoãn các hội nghị, các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng, chống bão.

Các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã huy động lực lượng để ứng phó với bão số 10 và bão số 11, không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền về khu neo đậu an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; cử người canh gác tại các điểm ngầm, tràn, đò ngang; tích cực chỉ đạo chằng, chống kho tàng, công trình, trụ sở, cắt tỉa cây xanh; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; rà soát, kiểm tra an toàn điện lưới, thông tin, an toàn hồ đập; chỉ đạo cho học sinh các trường học nghỉ học trong những ngày mưa bão, lũ lụt. 

Lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai các phương án, bố trí nhân lực, phương tiện trực 24/24 đảm bảo xử lý các tình huống khẩn cấp. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sỹ, 35 phương tiện; Công an tỉnh huy động 15 ca nô, 150 cán bộ, chiến sỹ; BCH Quân sự tỉnh huy động 20 ca nô cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng dân quân thường trực tại các xã, thị trấn đã kêu gọi 3.745 tàu thuyền với 14.971 ngư dân vào nơi tránh, trú bão; di dời 2.147 hộ dân/7.430 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương do Bộ trưởng Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo và Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vào kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt tại tỉnh.

Về thiệt hại: bão số 10 và sau đó là trận lốc xoáy, lũ lụt, đã cướp đi sinh mạng 19 người dân(trong đó bão số 10, có 7 người chết và lốc xoáy, lũ lụt làm chết 12 người), số người bị thương 229 người. Về tài sản, có 447 ngôi nhà của dân bị sập đổ; nhà tốc mái: 157.500 nhà; có 85% phòng học phòng khám, trạm xá bị sập, tốc mái, ngập lụt và bị lũ cuốn trôi; 1.125 công trình văn hóa, phúc lợi bị hư hỏng nặng... Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thiệt hại lớn nhất là vườn cao su. Với hơn 13 nghìn ha cao su bị gãy, đổ, con số thiệt hại là 3.450 tỷ đồng. Tàu thuyền bị chìm và bị sóng đánh vỡ 116 chiếc. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: lưới điện, đường giao thông, công trình thuỷ lợi...bị hư hỏng nặng nề. Qua số liệu từ các địa phương trong tỉnh, thiệt hại do các trận thiên tai này gây ra khoảng 8.636 tỷ đồng.

Về khắc phục hậu quả: ngay sau khi bão và lũ lụt xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có công văn khẩn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; UBND tỉnh có công điện; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã cử các đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, lụt. Các địa phương, đơn vị đã huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để giúp đỡ, động viên hướng dẫn nhân dân khắc phục thiệt hại, dựng lại nhà cửa, cây cối, vệ sinh môi trường.

Các địa phương đã tổ chức mai táng, thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng, đồng thời, huy động lực lượng sửa chữa các trường học, khắc phục công trình nước sạch, các công trình giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; động viên bà con hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn; tổ chức cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng bị lũ quét, ngập lũ, chia cắt.

Tính đến ngày 24-10, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã tiếp nhận từ 154 cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài nước tổng số tiền, hàng ủng hộ trực tiếp và đăng ký ủng hộ gần 45 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận, Ban Cứu trợ tỉnh đã tiến hành phân bổ, hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương, hộ dân bị thiệt hại nặng.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, thăm vườn cây cao su bị hư hại ở thị trấn Nông trường Việt Trung.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, thăm vườn cây cao su bị hư hại ở thị trấn Nông trường Việt Trung.

Về kiến nghị, đề xuất với Trung ương: Tỉnh xin hỗ trợ cứu đói 10.000 tấn gạo, 480 tỷ đồng (trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng); hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thuốc xử lý môi trường và phòng dịch bệnh 30 tỷ đồng. Đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng các công trình di dân khẩn cấp là 62.000 triệu đồng...

Phát biểu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Hồng Anh, đã chia sẻ tổn thất mất mát to lớn về người và tài sản mà thiên tai đã gây ra đối với người dân trong tỉnh; đồng thời ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và nhân dân trong tỉnh trong việc chủ động phòng chống và kịp thời khắc phục hậu quả bão số 10, bão số 11 gây ra.

Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục huy động lực lượng vũ trang, lực lượng thanh niên giúp dân khắc phục hậu quả; tổ chức nắm lại tình hình đời sống của bà con để có biện pháp hỗ trợ. Rà soát lại hộ nghèo, đối tượng chính sách, có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ cho hộ đang gặp khó khăn.

Tỉnh cần có phương án tổ chức sản xuất sau lụt bão một cách phù hợp. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan Trung ương phối hợp với các tỉnh miền Trung nghiên cứu lập đề án tổng thể cho các vùng bị ngập lụt, vùng thường xuyên bị bão để có biện pháp ứng phó thích hợp, theo hướng chung sống lâu dài với lụt bão. Đối với cây cao su, sắp tới Trung ương có hội thảo xem xét một cách tổng thể, để có kết luận chính thức việc quy hoạch, đầu tư trồng cây cao su lâu dài. Đồng chí đồng tình với những kiến nghị của tỉnh và hứa sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến và đề nghị Chính phủ xử lý.

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Lê Hồng Anh đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Đảng uỷ thị trấn nông trường Việt Trung và Ban Thường vụ Huyện uỷ Bố Trạch. Đồng chí và đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn mất mát, tặng quà cho 4 hộ gia đình ở thị trấn nông trường Việt Trung bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra; đồng thời thông qua đồng chí Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch, đồng chí đã gửi 15 suất quà của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đến gia đình những người bị thiệt hại nặng trên địa bàn huyện.

Tr.T