Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Hai vấn đề quan trọng cần bổ sung

Cập nhật lúc 15:48, Thứ Năm, 14/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều rất quan tâm và đưa ra những chính sách khác nhau, hoặc là để thích ứng, hoặc là để tiến thẳng vào nền kinh tế tri thức, hoặc là chuẩn bị những điều kiện cần thiết tối thiểu cho sự ra đời của nền kinh tế tri thức. Đánh giá đúng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế đất nước, Đảng ta đã sớm nhận thức được xu thế phát triển này và đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế tri thức luôn gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.

1. Cần bổ sung và nhấn mạnh vấn đề “Phát triển kinh tế tri thức” gắn với đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong Hiến pháp

Tại Điều 53, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Tại điều này, tôi đề nghị cần bổ sung và nhấn mạnh vấn đề “Phát triển kinh tế tri thức”. Đây là vấn đề có tính chất song hành, gắn chặt chẽ với đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Chúng ta biết rằng, hiện nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước. Sự phát triển nhảy vọt của khoa học và công nghệ làm xuất hiện nhiều ngành, nhiều lĩnh vực lao động chủ yếu dựa vào tri thức. Tri thức ngày càng trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc điểm nổi bật của thời đại hiện nay là, các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trong đó vai trò của nền kinh tế tri thức là hết sức quan trọng. Mọi hoạt động của kinh tế tri thức đều liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa, có tác động sâu sắc đến các mặt của đời sống xã hội trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, các quốc gia có nền kinh tế và khoa học công nghệ phát triển cũng đã định hướng phát triển nền kinh tế theo những đặc trưng của kinh tế tri thức. Có thể nói, trên thế giới hiện nay, việc chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức là một chuyển biến vô cùng to lớn, nó vừa đặt ra những thách thức, nhưng đồng thời cũng mang lại không ít cơ hội cho tất cả các nước. Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều rất quan tâm và đưa ra những chính sách khác nhau, hoặc là để thích ứng, hoặc là để tiến thẳng vào nền kinh tế tri thức, hoặc là chuẩn bị những điều kiện cần thiết tối thiểu cho sự ra đời của nền kinh tế tri thức. Đánh giá đúng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế đất nước, Đảng ta đã sớm nhận thức được xu thế phát triển này và đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế tri thức luôn gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.

Qua các kỳ Đại hội từ năm 2001 đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh vai trò của kinh tế tri thức, đặc biệt đến Đại hội XI, với sự phát triển mới về nhận thức lý luận và thực tiễn, Đảng ta đã xác định phương hướng đầu tiên trong 8 định hướng lớn trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) là: “Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức,...” Cương lĩnh cũng nhấn mạnh: “Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Định hướng lớn đó là một trong những chủ trương có tầm nhìn chiến lược quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước không chỉ đến năm 2020 mà cho cả các thời kỳ trong tương lai của dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản nền kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế mang những dấu ấn của nền kinh tế nông nghiệp, đang chuyển dần sang kinh tế công nghiệp. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu còn rất thấp. Những chỉ số về kinh tế tri thức của nước ta đều ở nửa dưới của Bảng xếp hạng. Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của Việt Nam hiện đang là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo chỉ là 2,72, trong khi đó chỉ số KEI của một số nước trong khu vực rất cao. Sự đầu tư cho khoa học - công nghệ ở nước ta còn rất thấp. Một trong những tiêu chí quan trọng của kinh tế tri thức là sự ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta còn thiếu thông tin về công nghệ. Có thể nói, những yếu tố cho sự ra đời và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ hình thành.

Để thực hiện thành công CNH, HĐH rút ngắn thời gian, vừa có những bước đi tuần tự, vừa có bước nhảy vọt, đòi hỏi chúng ta ra sức phát huy những lợi thế vốn có, phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, tận dụng tối đa mọi cơ hội, mọi khả năng để có thể nhanh chóng đạt trình độ công nghệ tiên tiến; tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ, làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường,...

Chúng ta phải “đi tắt, đón đầu”, thực hiện CNH, HĐH theo mô hình “hiện đại”, “rút ngắn” để phát triển kinh tế tri thức. Có thể nói, phát triển kinh tế tri thức là bước đi nhanh chóng để thoát khỏi tình trạng của một quốc gia kém phát triển, đó cũng là điều kiện để có thể đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH. Đứng trước xu thế có tính thời đại, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải tiếp cận, quan tâm đầu tư xây dựng nền kinh tế tri thức, xác định hướng đi, tốc độ sao cho phù hợp với khả năng, điều kiện hiện tại. Vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế tri thức cần phải được Hiến định, đó không chỉ là chủ trương có tính đột phá nhằm rút ngắn quá trình CNH, HĐH ở nước ta, mà còn là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế nước nhà.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần khẳng định rõ tại Điều 53 là: “...đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức;...”. Đó là vấn đề có tính tất yếu, phù hợp với xu hướng có tính thời đại và hoàn toàn phù hợp với Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) đã xác định.

2. Cần bổ sung và khẳng định “Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước” trong Hiến pháp

Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định:
“1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.”.

Tại điều này, không đề cập đến vai trò của kinh tế Nhà nước. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung và khẳng định “Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước” để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Do đó, tại Khoản 2, Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung thêm đoạn: “....trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo”:

Chúng ta biết rằng, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Đảng ta đã nhất quán chủ trương chỉ đạo Nhà nước thi hành các chính sách kinh tế không phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu. Đây là một bước tiến mới trong quan điểm của Đảng ta về kinh tế nhiều thành phần. Đảng ta cũng đã đặt kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng trong môi trường thị trường thống nhất, đồng bộ, cạnh tranh đầy đủ và hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng thấy rằng, các thành phần kinh tế không tồn tại một cách biệt lập, mà có mối quan hệ và tác động qua lại, đan xen. Để bảo đảm nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, trong quá trình vận động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thành phần kinh tế Nhà nước phải tự chính mình vươn lên, khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có để cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng cho nền kinh tế quốc dân.

Trong thời gian qua, có một số doanh nghiệp Nhà nước, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản lớn của đất nước, của nhân dân. Những sai phạm đó, suy cho cùng không phải là lỗi vốn có của bản thân doanh nghiệp Nhà nước và lại càng không phải lỗi của thành phần kinh tế Nhà nước. Nếu chúng ta ngộ nhận những sai phạm đó là lỗi của kinh tế Nhà nước mà không quy định trong Hiến pháp là một sai lầm, dẫn đến có thể thực hiện không đúng định hướng XHCN.

Tôi cho rằng, những khuyết lỗi của doanh nghiệp Nhà nước vừa qua đó là hệ quả của sự yếu kém kéo dài trong quản lý vĩ mô. Vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là bước đi hoàn toàn đúng đắn, khách quan, góp phần thay đổi cơ cấu quản lý và phân bổ nguồn lực quốc gia, từng bước đưa kinh tế Nhà nước trở lại đúng vị trí, vai trò của nó với tư cách là thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân là điều kiện cần thiết để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường. Có thể rút ra mấy lý do sau đây:

- Kinh tế Nhà nước chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện về tư liệu sản xuất, về vốn,... là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất.

- Kinh tế Nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu của nền kinh tế; chi phối các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN.

- Kinh tế Nhà nước là lực lượng bảo đảm sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân, có khả năng điều tiết, hướng dẫn, liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

- Kinh tế Nhà nước dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, đóng góp phần lớn cho ngân sách Nhà nước và tích tụ để không ngừng tái sản xuất mở rộng.

- Kinh tế Nhà nước là lực lượng nòng cốt hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới; có khả năng đầu tư vào những lĩnh vực có vị trí quan trọng.

Từ những lý do trên đây, tôi cho rằng, để bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta, hay nói một cách khác, để nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 54, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo”.

                                                               Hoàng Đăng Quang
                                                     Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
                                                  Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

 

,
.
.
.