.

Sự tiên đoán thần kỳ của Bác Hồ kính yêu trong những năm Tỵ

.
09:31, Chủ Nhật, 10/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa xuân Tân Tỵ 1941, Bác trở về với Tổ quốc thân thương. Trên mảnh đất đầu nguồn Pác Bó, Bác bắt tay vào công việc “nhóm lửa”. Dù trước mắt là muôn vàn khó khăn, gian nan, thử thách, nhưng Bác của chúng ta vẫn tự tại, ung dung, và tràn đầy tinh thần lạc quan. Ngay vào thời điểm này, Bác có nhiều bài viết quan trọng mang tính định hướng chiến lược lâu dài.

Đặc biệt, đây cũng là năm Bác viết cuốn “Lịch sử nước ta” với hơn 200 câu thơ lục bát dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều đặc biệt là, tuy giữa lúc cách mạng còn khó khăn, nhưng Bác kết thúc bài trường ca bằng câu thơ “đóng đinh”: “45- sự nghiệp hoàn thành”. Lúc này đồng chí Lê Quảng Ba được Bác Hồ giao khắc bài thơ để in, về sau ông đã kể lại rằng: “Anh em chúng tôi thắc mắc câu Bác ghi rõ-Năm 1945 Việt Nam độc lập”, nên đã đưa Bác xem lại. Bác xem rồi bảo: Được, cứ thế khắc để in. Đến cuối tập thơ lịch sử Việt Nam diễn ca có mấy câu kết: “...Nay ta đã có Việt minh/ Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh/ 45 -sự nghiệp hoàn thành”.

Còn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những cộng sự gần gũi thân cận với Bác - người duy nhất đặt vấn đề về sự kiện Bác Hồ tiên đoán ngày cách mạng thành công kể lại: ...“Mùa hè 1941, phát xít Đức bất thần tiến đánh Liên Xô. Sức mạnh của chúng như vũ bão, chỉ vài tuần chúng đã tiến sâu vào đất liền hàng trăm km. Sang mùa đông, phát xít Nhật tung quân ào ạt đánh ra vùng Thái Bình Dương. Chúng đánh vào Trung Quốc, Triều Tiên, và cờ Mặt trời mọc đã cắm trên Đông Dương thuộc Pháp, Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai, Phi Luật Tân... Giữa lúc đó trong đêm đông lạnh, tránh bọn lính dõng đi lùng càn tại vùng Pác Bó, Bác Hồ đã tiên đoán ngày Cách mạng Việt Nam thành công: “45-sự nghiệp hoàn thành.”

Đó là câu kết thúc tập “Việt Nam lịch sử diễn ca” Bác đã làm, và được đưa in đá từ hồi đó”. Lời tiên đoán của Bác vào năm Tân Tỵ đó đã trở thành sự thật. Năm 1945, vào những ngày tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, nhân dân ta đã làm nên trang sử mới: Lật đổ chế độ quân chủ, đánh bại bọn ngoại bang Pháp-Nhật, giành lại nền độc lập, xây dựng một nhà nước Việt Nam mới của dân, do dân và vì dân.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa xuân Tân Tỵ 1941, Bác trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa xuân Tân Tỵ 1941, Bác trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

12 năm sau, vào năm Quý Tỵ 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất. Thực dân Pháp được sự hà hơi tiếp sức của các thế lực phản động quốc tế (mà đứng đầu là đế quốc Mỹ) đang tăng cường lực lượng quân sự lên mặt trận Đông Dương. Nhưng cũng trong năm Quý Tỵ này, Bác đã có những lời tiên đoán thần kỳ.

Trong hồi ký của mình, Luật sư Phan Anh- nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, kể lại rằng: Vào đầu năm Quý Tỵ 1953, để động viên quân và dân ta quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đông-Xuân 1953-1954, Bác và Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho hai bộ: Bộ Tài chính (do ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng), và Bộ Công thương (do ông Phan Anh làm Bộ trưởng), tìm hiểu và tổ chức hội nghị rộng rãi nhằm thực hiện kế hoạch quân lương và quân nhu cho bộ đội. Hội nghị đầu mùa xuân 1953 này diễn ra trong không khí đầy phấn khởi và tràn ngập niềm vui. Hội nghị đi vào phút bế mạc thì theo đề nghị của Bác Hồ, ông Phan Anh đọc mấy câu ca dao và Kiều lẩy: “Con cò lặn lội bờ sông/ Thuế thóc gánh gồng, tiếng hát véo von/ Mấy lời Bác dạy sắt son/ Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua/ Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu”.

Hội nghị nồng nhiệt vỗ tay, nhưng Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và Bác đọc tiếp hai câu: “Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy ra thì một năm sau vội gì”. Cả hội nghị reo to như không muốn dứt. Thật thần kỳ, chỉ hơn một năm sau lời Bác ứng khẩu năm 1953 ấy đã trở thành sự thật. Quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm đến thắng lợi hoàn toàn. Cũng trong năm Quý Tỵ này, nhân dịp Tết Trung thu, Bác Hồ có Thơ Trung thu gửi các cháu thiến niên nhi đồng. Thơ Bác viết: “Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gởi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần/ .../ Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn”. Và quả vậy, mùa thu năm 1954, các cháu thiếu nhi được đón một cái Tết Trung thu trong niềm vui chiến thắng.

Cũng 12 năm sau, kể từ năm Quý Tỵ (1953) ấy, đúng như nhận định của Bác, đế quốc Mỹ sẽ thế chân thực dân Pháp xâm lược nước ta. Bước vào năm Ất Tỵ (1965), đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện “chiến tranh cục bộ”, sức mạnh của Mỹ tăng lên đáng kể. Chính vì thế mà vào thời điểm này, trên thế giới các nước rất ngại Mỹ và khuyên ta không nên đánh Mỹ.

Thế nhưng, ngay trong năm này, ít nhất thì Bác cũng đã có hai lần tiên đoán khẳng định rằng, nhất định chúng ta sẽ thắng. Lần thứ nhất, vào ngày 19-7-1965, khi đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân, Người đã chỉ rõ: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Lần thứ hai, trên Báo Nhân dân, số 4159, ngày 23-8-1965, Bác cho đăng bài: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Trong bài viết, Bác Hồ lại vẫn khẳng định, đúng hơn, đó là sự tiên đoán của một nhà lãnh đạo có tầm tư duy thiên tài  Bác viết: “... Bao nhiêu lính Mỹ sang miền Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm cho nó sa lầy càng sâu thêm. Mỹ xuất khẩu càng nhiều lính “GI” thì sẽ phải nhập khẩu nhiều quan tài về Mỹ. Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng !”.

Có thể nói, dù Mỹ mạnh (mà quả thực Mỹ rất mạnh), dù có rất nhiều nước ủng hộ ta đánh Mỹ nhưng cũng không tin tưởng vào sự thắng lợi của chúng ta, nhưng Bác của chúng ta vẫn lạc quan, tin tưởng và có những lời tiên đoán thần kỳ. Vào cái Tết Nguyên đán cuối cùng trong cuộc đời của Bác, Người có những lời thơ chúc Tết như những lời dự báo chiến lược: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên, chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Lời tiên tri thần kỳ trong bài thơ lần lượt trở thành sự thật. Đầu năm 1973, “Mỹ cút”; năm 1975, “ngụy nhào”. Cả nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Năm Quý Tỵ 2013 này, ta lại nao lòng nhớ Bác. Nhớ Bác bao nhiêu ta lại càng tự hào về Bác bấy nhiêu. Lẫn trong niềm tự hào là sự ngưỡng mộ về một con người luôn có những lời tiên đoán thần kỳ, mà những lời tiên đoán trong những năm Tỵ kể trên là một minh chứng. Phút giao thừa đã điểm, ta bất chợt thốt lên lời trong sự lâng lâng khó tả: “Bác ơi, Tết đến, giao thừa đó!”.

                                                                            Nguyễn Thị Thọ






 

,