Hiệp định Paris 1973 - Mốc son ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 11:02, Thứ Ba, 15/01/2013 (GMT+7)

Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn với những sự kiện trọng đại trong tiến trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, mà một minh chứng sinh động là Hiệp định Paris (27-1-1973) - Hiệp định mang dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện tầm vóc thời đại của nền ngoại giao truyền thống Việt Nam.
 

Lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại ra đời từ sau khi nước nhà giành được độc lập. Đó là ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn với những sự kiện trọng đại trong tiến trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, mà một minh chứng sinh động là Hiệp định Paris (27-1-1973) - Hiệp định mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện tầm vóc thời đại của nền ngoại giao truyền thống Việt Nam.

 1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường, nhất là sau khi quân dân miền Nam đánh bại cuộc phản công mùa khô thứ nhất (Đông Xuân 1965-1966) và đang từng bước đánh thắng cuộc phản công mùa khô thứ hai (Đông Xuân 1966-1967) cùng với việc miền Bắc đã bắn rơi 1620 máy bay Mỹ[1], Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (khóa III, 1-1967) đã phân tích và quyết định: "Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động"[2].

Thực hiện chủ trương đấu tranh ngoại giao này, ngày 28-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: Chỉ sau khi Hoa kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), thì Việt Nam DCCH và Hoa Kỳ mới "có thể nói chuyện được". Điều đó cho thấy Hà Nội sẵn sàng nói chuyện với Washington nhưng có điều kiện, chứ không phải như Hoa Kỳ đòi hỏi trong hai năm vừa qua là "đàm phán không điều kiện". Sau đó, ngày 15-2-1967, trong bức thư gửi trả lời Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược… Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"[3]. Dư luận Mỹ, và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến sự kiện "nói chuyện" giữa Việt Nam DCCH và Hoa Kỳ. Cuối năm 1967, quân dân ta thắng lớn ở miền Nam; trên thế giới phong trào đoàn kết với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ngày càng được mở rộng và ở Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống đang đến hồi kết, chính quyền Mỹ đang ở thế "lưỡng nan" về chiến lược... Tiếp đó, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, phát huy thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường và tranh thủ sức ép của dư luận quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã kịp thời thực hiện "mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta".

2. Ngày 2-5-1968, Việt Nam đề nghị lấy Paris làm địa điểm họp chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời cử Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH tại cuộc đàm phán và đề nghị phiên họp đầu tiên tổ chức vào ngày 10-5 hoặc vài ngày sau đó. Hoa Kỳ đã chấp nhận đề nghị đó và cử Averell Harriman - một nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ làm Trưởng đoàn. Ngày 3-6-1968, đồng chí Lê Đức Thọ tới Paris tham gia đàm phán trực tiếp với tư cách là Cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH. Cuộc đàm phán Paris về vấn đề Việt Nam bắt đầu từ ngày 13-5-1968. Ngày 17-6-1968, hai bên bắt đầu có những cuộc gặp nhau ở cấp đoàn viên và từ ngày 27-6-1968 là ở cấp phó trưởng đoàn… Trong khi đàm phán ở Paris diễn ra thì tình hình chiến trường cũng không kém phần sôi động và quan hệ quốc tế giữa các nước lớn, giữa hai phe cũng diễn ra rất phức tạp…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị từng ngày, từng giờ theo dõi và chỉ đạo những sự kiện liên quan đến Hội nghị Paris. Khi ấy, Người căn dặn đồng chí Xuân Thuỷ: Đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng và khôn khéo; nhất là phải chú ý theo dõi sát tình hình trong nước (nhất là tình hình chiến sự) và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Người cũng thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris. Trong những năm tháng đó, cùng với sự phát triển và thắng lợi trên các chiến trường, đấu tranh ngoại giao đã triển khai hiệu quả chủ trương đàm phán "vừa đánh vừa đàm", kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, giành thắng lợi từng phần, góp phần đưa cục diện cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược chuyển sang một giai đoạn mới.

Từ tháng 9-1968, tình hình chung đã xuất hiện những nhân tố mới, cùng với việc chúng ta kiên trì đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris kết hợp với đấu tranh quân sự ở trong nước, ngày 1-11-1968, chính quyền Mỹ đã buộc phải chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam DCCH. Ngày 2-11-1968, Chính phủ Việt Nam DCCH ghi nhận việc Mỹ chấp nhận chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam DCCH và việc mở hội nghị từ hai bên thành bốn bên gồm: Việt Nam DCCH, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.

Để đánh giá đúng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này, và để tránh sự chủ quan, ảo tưởng "về một thắng lợi đã tới gần", cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris. Tiếp đó, ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc với tinh thần: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi"[4]…

Khởi đầu của hội đàm Paris là giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Sau đó, sự phát triển và những thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam đã đưa đến Hội nghị Paris bàn về vấn đề Việt Nam gồm 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Tại bàn đàm phán Paris, trong khi đối phương luôn tìm mọi cách để hạ thấp vai trò của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thì Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: một mặt, đưa ra lập trường riêng của mình, mặt khác, ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mặt trận. Sách lược tiến hành đàm phán "tuy một mà hai, tuy hai mà một" đã được hai đoàn vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo trong suốt cả quá trình đàm phán tại hội nghị Paris. Trong đó, sự phân công, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai đoàn trong toàn bộ quá trình đàm phán, thể hiện rõ từ việc xác định đấu pháp cho từng thời kỳ, từng phiên họp cho đến việc đưa ra sáng kiến về giải pháp tại diễn đàn công khai hay tại các cuộc gặp riêng; từ các bài phát biểu của các Trưởng đoàn ta trong Hội nghị cho đến việc tranh thủ dư luận trong các cuộc họp báo của những người phát ngôn; từ các hoạt động đàm phán của hai đoàn tại Paris cho đến những hoạt động ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân trên mọi lĩnh vực mọi trận tuyến… đã góp phần to lớn vào kết quả của hội nghị.

Bước sang xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Những lời thơ chứa chan, khát vọng của Người - thể hiện niềm tin, sức mạnh của mệnh lệnh chiến đấu, trở thành hồi kèn xung trận của quân và dân ta trên mọi mặt trận, trong đó ngoại giao: "Vì độc lập, vì tự do! Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!". Hơn cả một khát khao, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong chờ "tin thắng trận cờ hồng bay cao" của đoàn cán bộ đang công tác ở Paris, trong bối cảnh tình hình diễn ra vừa phức tạp, vừa khẩn trương.

Cùng đó, thực hiện sự chỉ đạo và vận dụng thành công sách lược "vừa đánh vừa đàm", kết hợp đàm phán với vận động dư luận thế giới và phối hợp với chiến trường để từng bước củng cố thế trận đàm phán, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng và kết hợp ba nhân tố: chiến trường, hậu phương quốc tế và đàm phán trực tiếp với Mỹ, để không chỉ cải thiện so sánh lực lượng, mà còn tạo chuyển biến có lợi cho cuộc đàm phán tại Paris. Thực hiện phương châm này, vì tương quan so sánh lực lượng cho thấy: Chúng ta không thể đánh thắng Mỹ một cách tuyệt đối trên chiến trường, mà phải chọn cách đánh và cách thắng Mỹ phù hợp - đó là "vừa đánh vừa đàm".  

Luôn theo sát tình hình, tháng 5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã chỉ thị cho đồng chí Xuân Thủy - Trưởng đoàn đám phán Paris khi về nước báo cáo tình hình: "Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược lúc này…; nắm vững thời cơ, phối hợp với tiến công quân sự và tiến công chính trị, tiến công liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc, khéo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta"[5]. Và Người đã một mặt, khích lệ tinh thần đồng bào và chiến sĩ miền Nam phải kiên quyết "đánh cho đến khi Mỹ nguỵ thất bại hoàn toàn"; mặt khác, đầy nhân ái và hết sức mềm dẻo, Người bày tỏ rõ quan điểm là muốn có hoà bình, "Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam"[6] và Việt Nam "sẵn sàng cho Mỹ rút quân có thể diện", trải thảm đỏ cho đế quốc Mỹ rút quân về nước...

Những ngày tháng 8-1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm đồng chí Lê Đức Thọ và phái đoàn ta ở Paris mới về. Sau này, các đồng chí phục vụ kể lại rằng: Khi ấy, Người đã yếu, trời lại mưa, các đồng chí không muốn để Người biết tin đoàn ở Paris về, nhưng khi biết, Người nhất quyết muốn đi gặp. Sau khi xin ý kiến Ban Bí thư hai lần, cuối cùng, đành để Người đi và thật không may, lúc về, Người bị nhiễm lạnh. Cứ thế, bệnh tình của Người ngày càng nặng và trong những ngày cuối đời, dù nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến những sự kiện diễn ra ở Hội nghị Paris. 4 ngày cuối cùng trên giường bệnh, Người vẫn còn nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình miền Nam và hỏi thăm tin tức về Hội nghị Paris. ngày 2-9-1969, trong khi chiến sự vẫn diễn ra ngày càng ác liệt và đàm phán ở Hội nghị Paris chưa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời xa chúng ta trở về với thế giới người hiền lúc 9h47" tại Hà Nội.

3. Những năm sau đó, tiếp tục thực hiện theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên bàn đàm phán hay bên lề Hội nghị Paris… cuộc đấu trí giữa các bên, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger luôn quyết liệt. Càng đi đến gần hồi kết, "kịch tính" của Hội nghị Paris càng căng thẳng. Các cuộc đàm phán trong những năm 1969-1971 luôn có sự kết hợp giữa công khai họp bốn bên với gặp riêng cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ. Việt Nam chủ trương phối hợp đấu tranh ngoại giao với hoạt động quân sự, chính trị, làm phá sản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, đồng thời, đảm bảo cho quân dân miền Nam tiếp tục đánh, tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế…

Từ năm 1971, Bộ Chính trị Đảng ta chủ trương tiến hành những chiến dịch lớn, giành thắng lợi có ý nghĩa vào đầu năm 1972, buộc Mỹ phải kết thúc chiến tranh… Quán triệt tinh thần phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn trong nội bộ Mỹ, buộc chính quyền Mỹ chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh, ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam đã đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản cụ thể, trong đó, yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam… nhưng sau đó Mỹ lật lọng, viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo... vì vậy, ngày 12-12-1972 cuộc đàm phán Paris đã tạm dừng.

Tráo trở và lật lọng với hy vọng "ép" ta, đêm 18-12-1972, Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng và các địa phương lân cận bằng máy bay F-111 và "pháo đài bay" B-52, với mục đích buộc Việt Nam phải chấp nhận điều kiện của Mỹ tại đàm phán Paris. Tuy nhiên, "biết mở đầu đúng" - phát động chiến tranh cứu nước, thì quân dân ta cũng biết "chấm dứt chiến tranh một cách có lợi nhất". Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã kết thúc bằng việc 34 "pháo đài bay B52" và nhiều máy bay chiến đấu khác của Mỹ nổ tung trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Chiến thắng có tính quyết định nhất của quân dân Thủ đô đã buộc Tổng thống Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Đàm phán Paris đến hồi kết. Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức ngày 27-1-1973 (có hiệu lực từ ngày ký chính thức) giữa bốn Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự Hội nghị tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe (Paris).

Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự. Hoa Kỳ phải tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ… Ngày 29-3-1973, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Những người lính viễn chinh Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát của sĩ quan Việt Nam DCCH trong Uỷ ban Liên hợp quân sự bốn bên.

 Sau 4 năm 9 tháng đàm phán (13-5-1968 - 27-1-1973), với 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp riêng, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX, là cuộc đấu tranh ngoại giao giữa hai lực lượng đối đầu trên chiến trường không cân sức nhau về mọi mặt. Đó đồng thời là tâm điểm cuộc đấu trí giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Cuộc đấu trí quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý ấy của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào sức mạnh chính nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử đã buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

40 năm sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, có thể nói rằng: Cội nguồn thắng lợi của đàm phán Paris là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là ý chí quật cường, không khoan nhượng, đấu tranh bền bỉ, bảo vệ chân lý, "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là thắng lợi mang đậm dấu ấn của tinh thần và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh "thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to thì tiếng mới lớn".

Khác các Hội nghị Teheran, Yanta, Posdam, thành công của cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris gắn liền với thắng lợi của quân và dân ta trên các chiến trường, gắn với sự đồng tình ủng hộ của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, trong đó có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN anh em, của Đảng Cộng sản Pháp, của phong trào không liên kết, của nhân dân các nước tư bản, nhân dân Mỹ và phong trào phản chiến của binh lính Mỹ... Đó đồng thời cũng là thắng lợi của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp thành công ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cùng với thời gian, bài học kinh nghiệm về ý chí và tinh thần đấu tranh kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc; phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế; kết hợp đấu tranh chính trị với quân sự và ngoại giao tại Hội nghị Paris năm nào vẫn còn mang hơi thở của thời đại, thiết thực và bổ ích. Việt Nam đã lựa chọn, xác định rõ quan điểm độc lập, tự chủ trong hành trình đấu tranh giải phóng đất nước; đã biết mở ra cuộc chiến tranh, tiến hành và từng bước giành thắng lợi trong chiến tranh để rồi biết cách kết thúc chiến tranh; biết đánh bằng quân sự, biết đánh bằng chính trị, biết đánh bằng ngoại giao và phối hợp nhịp nhàng các mặt trận đó, vì vậy những kinh nghiệm quý giá ấy có giá trị to lớn đối với Việt Nam và các quốc gia trong bối cảnh cầu hóa và hội nhập quốc tế.

                                                                TS. Văn Thị Thanh Mai

 
------------------------------------

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo


[1] Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. CTQG, H, 2005, tr.217

[2] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1954-1975), Nxb. CTQG, H, 1995, t.II, tr.379

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.231-232

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.407

[5] Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb. CTQG, H, 1999, tr.36-37.

[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.489.

,
.
.
.