Những vấn đề cử tri kiến nghị đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII

Cập nhật lúc 08:15, Thứ Hai, 04/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hướng tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng phấn khởi và ghi nhận kết quả đạt được những tháng đầu năm 2012. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được cải thiện một bước; xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về  xây dựng Đảng hiện nay”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao; sản xuất, đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.

1. Về kinh tế và đời sống của nhân dân, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Mặc dù ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhưng vẫn còn ở mức cao và thực tế nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng...

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cần sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước, về đầu tư công... nhằm chấm dứt tình trạng nhiều tập đoàn kinh tế, đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ; từ đó nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.

Hiện nay đời sống của nhiều công nhân lao động, nông dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, Chính phủ cần có giải pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý tăng giá bất hợp lý. Đồng thời quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi, nhất là nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe người dân. Tình hình dịch bệnh, nhất là dịch chân tay miệng diễn biến phức tạp; việc khám chữa bệnh thủ tục phiền hà; khi ốm đau phải vào viện thực sự là nỗi ám ảnh, khốn đốn đối với người nghèo, người có thu nhập thấp.

Tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm, nhất là các vụ cướp của, giết người táo tợn, nhiều thủ phạm ở tuổi vị thành niên; tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi, việc cháy ô tô, xe máy chưa được kết luận rõ ràng... gây bất an cho nhân dân.

2. Về khiếu nại, tố cáo, những tháng đầu năm 2012, còn có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo đều tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu. Tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường hoặc giá nhà đầu tư bán ra; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng xử lý chưa được nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân.

Công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công còn chậm, thiếu thống nhất trong thực hiện, đặc biệt là chế độ cho người bị nhiễm chất độc điôxin. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; còn né tránh, đùn đẩy; nhiều vụ việc chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm; giải quyết không đúng chính sách, pháp luật gây bức xúc trong nhân dân, cần được chấn chỉnh, khắc phục, tránh tồn đọng, kéo dài; thực hiện không đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp và xử lý không nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.

3. Về tai nạn giao thông, thời gian qua tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của. Cử tri và nhân dân kiến nghị cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức, quản lý, điều hành giao thông; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành luật lệ giao thông đi đôi với việc tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm những người cố tình vi phạm luật lệ giao thông; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trước khi ban hành các giải pháp về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

4. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; tình trạng người dân buộc phải “lót tay” cho cán bộ công chức khi quan hệ giải quyết công việc.

Một số vụ việc tham nhũng được phát hiện xử lý chưa nghiêm; thường bị kéo dài, theo hướng thu hẹp vụ án; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều, tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.

Tình trạng lãng phí diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công... Đầu tư công dàn trải, hiệu quả chưa cao; nhiều công trình dở dang, công trình xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; thực hiện chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

5. Về nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp công dân, nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII; đề nghị chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình xem xét, giải quyết và trả lời cử tri, nhân dân trong tỉnh về nội dung kiến nghị liên quan, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố niềm tin, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

                                                              Nguyễn Ngọc Phương
                                                   TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
















 

,
.
.
.