Học tập, làm theo tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 10:50, Thứ Hai, 10/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho".

1. Dân vận và công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, là nhiệm vụ và là phương pháp cách mạng cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho đường lối, chủ trương, các chính sách và nhiệm vụ do Đảng đề ra được thực hiện thắng lợi, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Mục tiêu của công tác dân vận là tuyên truyền, vận động, tập hợp, động viên và tổ chức được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và hăng hái  thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu nhiệm vụ của địa phương.

Nội dung công tác dân vận gồm ba mảng vấn đề lớn và cực kỳ quan  trọng: Một là động viên và tổ chức cho nhân dân phát huy dân chủ và sáng kiến, tham gia góp ý cho việc xây dựng, hình thành các nghị quyết, chủ trương, chính sách của  Đảng và  Nhà nước sát với thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, đáp ứng được những quyền lợi chính đáng của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động. Hai là giải thích, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng thuận và hăng hái thực hiện; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đảng viên,cán bộ, công chức Nhà nước... Ba là chăm lo cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trước hết là phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Phương thức dân vận chủ yếu là tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng, tập hợp và tổ chức quần chúng hành động thông qua hoạt  động của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức quần chúng.

Đối tượng của công tác dân vận rất phong phú, đa dạng. Đó là các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội, là "nam, phụ, lão, ấu"; từ thanh  thiếu niên, học sinh, sinh viên cho đến người cao tuổi, là đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, từ các đô thị, đồng bằng cho đến vùng cao biên giới, hải đảo. Chính vì vậy, công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể là tất cả hội viên  của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận".

Từ những bài học, kinh nghiệm thực tiễn của hơn bảy thập kỷ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa  X đã có quyết định số 290-QĐ/TƯ ngày 25 - 2 - 2010 ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị", trong đó, ngay điều đầu tiên đã quy định rõ: "Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang".

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, điều trước hết và quan trọng hơn cả là toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, đặt đúng vị trí công tác dân vận trong toàn bộ hoạt động của mình.

Phải nhận thức sâu sắc rằng: Dù chủ trương có đúng đến mấy, dù có nguồn lực tài chính đầu tư rất nhiều, rất lớn đến bao nhiêu, nhưng nếu làm công tác dân vận kém, nhân dân chưa đồng tình ủng hộ thì chúng ta không làm được việc gì cả. Mọi chủ trương, nghị quyết đều nằm trên giấy mà thôi. Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta là phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng "phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: đó là vì lợi ích của họ mà họ phải làm"; phải bàn với dân để giải quyết mọi việc. "Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm".

Trong các giải pháp quan trọng hàng đầu mà Đảng, chính quyền đề ra để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thì phải thực sự coi trọng giải pháp dân vận.

Dân vận phải được xem là một nội dung, một công đoạn quan trọng trong việc bàn bạc, thảo luận xây dựng hình thành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó; cũng như việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên.

Tất cả, đều phải thông qua công tác vận động quần chúng, có cơ chế để quần chúng nhân dân và đại diện của họ tham gia. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là vậy. Không ít nơi chúng ta chưa thực hiện được một cách cụ thể, hữu hiệu phương châm đó. Tình trạng khá phổ biến là không ít chủ trương lớn, quan trọng nhưng người dân và đại diện của họ như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội cũng chưa được tham gia bàn bạc kỹ.

Trong khi đó thì không ít cơ quan công quyền, cán bộ công chức lại chưa thực sự coi trọng công tác dân vận mà chỉ nặng về các biện pháp hành chính. Chúng ta  đang còn nặng về "dân làm" là chủ yếu, còn "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì còn ít.

2. Những năm qua ,dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác dân vận của Đảng đã tập trung thực hiện những định hướng lớn, các mục tiêu nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Đồng thời, cũng đã bám sát những vấn đề mới nổi lên của thực tiễn cuộc sống trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở các vùng thực hiện các dự án đầu tư lớn, vấn đề thu nhập và ổn định cuộc sống của công nhân, lao động trong các khu công nghiệp; vấn đề xóa đói giảm nghèo; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; công tác tuyên truyền vận động người Việt Nam ở nước ngoài...

Thành quả to lớn, cực kỳ quan trọng mà chúng ta đã đạt được là chúng ta đã giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế  trong bối cảnh  tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

3. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: "Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng", "Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân", "thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...".

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu của công tác dân vận là động viên các tầng lớp nhân dân phát huy sáng kiến, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh; ngăn chặn lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu truyền đơn, chỉ thị mà đủ... phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rằng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được... phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân. Trong thi hành, phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong  phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng".

Phải không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Cán bộ dân vận phải sát dân phải "thật thà nhúng tay vào việc", "phải học cách nói của quần chúng... phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng" và "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" như Hồ Chí Minh đã dạy.

Trong bài phát biểu với cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu giảng dạy của Học viện Nguyễn Ái Quốc ngày 5 và 6-10-1992 về tìm hiểu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: ...Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có luận điểm cực kỳ quan trọng thuộc về phương pháp luận là: nói và làm. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và làm là một...

Chúng ta đây ít nhiều ai cũng biết tư tưởng Hồ Chí Minh là gì và thường hô "Sống, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Vậy thì làm đi!.

                                                              Đinh Hữu Cường

         Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Đảng

,
.
.
.