Hướng tới kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011):

Gặp cựu chiến binh trên những chuyến tàu không số huyền thoại

Cập nhật lúc 10:39, Thứ Hai, 03/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ một cựu chiến binh từng có mặt trên những chuyến tàu không số huyền thoại, giờ đây, ông Trần Đức Huấn đã trở thành giám đốc một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đặc thù trên quê hương Quảng Bình đầy nắng và gió. Với sự lao động miệt mài và tình yêu thương đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên, cựu chiến binh này đã và đang góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.

Trong phòng làm việc tại trụ sở Công ty TNHH Gốm sứ Đức Huấn, đứng chân tại cụm công nghiệp Thuận Đức (thành phố Đồng Hới), ông Huấn dành nơi trang trọng nhất để treo bức ảnh gặp mặt truyền thống những đồng đội, đồng chí đã từng tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển. Với người cựu chiến binh này thì thời gian có thể trôi qua, nhưng ký ức về những chuyến tàu không số huyền thoại, những cuộc chia tay thấm đẫm tình đồng đội luôn vẹn nguyên, tươi mới trong tâm trí ông.

Chúng tôi đã có dịp gặp ông Trần Đức Huấn rất nhiều lần và lần nào cũng vậy, cựu chiến binh là doanh nhân này luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trò chuyện với chúng tôi về cuộc hành trình từ cựu chiến binh đến với doanh nhân của mình, ông Trần Đức Huấn cho biết, sau khi phục viên, năm 1993, được sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình và chính quyền địa phương, tổ hợp sản xuất gốm sứ Đức Huấn ra đời tại tiểu khu 5, phường Nam Lý.

Tổ hợp chuyên sản xuất bát hứng mủ cao su và nhựa thông. Dẫu với quy mô nhỏ nhưng đây là tiền thân để ông thực hiện ước mơ của mình. Sau một thời gian hoạt động, vì chưa có mặt bằng và thiếu vốn nên tổ hợp sản xuất gốm sứ của ông gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2000, theo lời mời của một người bạn, ông chuyển vào tiếp quản Xí nghiệp sản xuất bát sứ hứng mủ cao su, nhựa thông tỉnh Đắc Lắc. Thật may mắn là ở nơi "đất khách quê người" này, với sự nhạy bén và năng động, ông đã đưa một xí nghiệp đang bên bờ vực phá sản đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, được công ty mẹ tại tỉnh Đắc Lắc đánh giá cao.

Dây chuyền sản xuất bát hứng mủ cao su của Công ty TNHH gốm sứ Đức Huấn. Ảnh: Hiền Chi.
Dây chuyền sản xuất bát hứng mủ cao su của Công ty TNHH gốm sứ Đức Huấn. Ảnh: Hiền Chi.

Gần 10 năm xa quê hương và lập nghiệp ở tỉnh bạn, nhưng trong lòng cựu chiến binh Trần Đức Huấn luôn ấp ủ ước mơ được về làm việc tại quê hương để tiếp tục thực hiện nguyện vọng của mình là tạo công ăn việc làm cho con em cựu chiến binh, những người đã cùng ông vào sinh ra tử trên chiến trường.

Đến năm 2008, khi thành phố Đồng Hới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Thuận Đức, ông quyết định trở về mảnh đất đầy nắng và gió này để thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Đức Huấn. Công ty của ông là đơn vị đầu tiên đứng chân tại cụm công nghiệp này. Trên diện tích mặt bằng gần 2 ha đất được cấp, ông đã bắt tay vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống nhà xưởng sản xuất hoàn chỉnh để nhanh chóng đi vào hoạt động, bao gồm: 2 lò nung, các bể chứa, xưởng sản xuất trên 3.000 m2, văn phòng làm việc, nhà nghỉ và nhà ăn của công nhân, mua sắm máy xay nguyên liệu, máy luyện đất, máy hút chân không, máy khuấy đất khô, máy tráng men, máy tạo hình sản phẩm...

Với quyết tâm của một người lính, sau 4 năm xây dựng và phát triển, ông đã trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gốm sứ có tổng giá trị tài sản trên 10 tỷ đồng, với công suất lò nung 4,5 triệu sản phẩm/năm. Hiện tại, công ty đã thu hút và giải quyết việc làm cho gần 80 lao động tại địa phương (trong đó phần lớn là con em cựu chiến binh) với mức lương bình quân 2.700.000 đồng/người/tháng. Sản phẩm bát hứng mủ cao su do công ty sản xuất luôn đạt chất lượng cao, hệ thống công nghệ và lò nung luôn vận hành tốt, nhờ vậy mà doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước. Công ty còn là đơn vị luôn đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước.

Không chỉ vậy, cựu chiến binh Trần Đức Huấn luôn xem người lao động như những người thân trong gia đình mình. Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 12 phòng ở tập thể cho cán bộ, công nhân. Ông cũng là người đầu tiên có sáng kiến xây dựng nhà mẫu giáo tại công ty để những công nhân, lao động đang có con nhỏ có thể vừa làm việc vừa đến chăm con những lúc cần thiết. Sự quan tâm và những hành động thiết thực, đầy tình người của ông đã khiến cho đội ngũ cán bộ, công nhân và lao động luôn tâm niệm gắn bó với công ty, họ đã xem đây như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hàng ngàn ha các loại cây công nghiệp như cao su và nhựa thông đến thời kỳ khai thác. Hàng năm, các nông trường và hộ gia đình cần hàng triệu bát sứ để sử dụng trong quá trình cạo lấy mủ.

Thời gian qua, Công ty TNHH Gốm sứ Đức Huấn đã không ngừng mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện tại, công ty được xem là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất sản phẩm phục vụ khai thác mủ cao su và nhựa thông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công ty còn có chi nhánh sản xuất tại tỉnh Đắc Lắc với công suất trên 2 triệu sản phẩm/năm, chuyên cung cấp bát hứng mủ cao su cho các tỉnh Tây Nguyên. Với những điều kiện thuận lợi này, công ty đang có kế hoạch đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất một số sản phẩm mới như: gạch chịu lửa, gạch cầu lò tuynel, gạch láy vỉa... và mở rộng thị trường sang nước bạn Lào trong thời gian tới.

Phần thưởng cho cựu chiến binh Trần Đức Huấn là những bằng khen, giấy khen của Hội Cựu chiến binh Trung ương và địa phương về làm kinh tế giỏi. Nhưng theo chúng tôi, điều quan trọng hơn là tấm lòng ông dành cho đồng chí, đồng đội. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, vẫn tự tay kiểm tra những mẻ gốm ra lò. Với ông, chất lượng sản phẩm chính là sự sống còn của công ty trong giai đoạn hiện nay. Và khi công ty còn sống, thì ông và những con cháu của đồng đội ông sẽ tiếp tục được nâng niu từng giọt nhựa trắng để làm nên những điều kỳ diệu.

                                                                                          Hiền Chi

,
.
.
.